Quản lý một số sâu bệnh hại chính trên cây ớt
Thứ ba, 10/12/2019

Với những nhu cầu cao từ thị trường, hiện nay diện tích trồng ớt gia tăng rất nhiều ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù phí đầu tư trồng ớt sừng cao hơn các loại khác nhưng bù lại phần lợi nhuận xứng đáng do năng suất ớt cũng khá cao và ổn định. Tuy nhiên, năng suất ớt phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, do đó trong quá trình trồng cần thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh trên ớt để có những giải pháp phòng trừ kịp thời. Một số sâu bệnh hại phổ biến trên cây ớt như sau:

1. Bọ trĩ:

Thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho lá và đọt non bị xoăn lại. Gặp điều kiện thời tiết thích hợp khô và nóng, bọ trĩ phát triển nhanh với mật số rất cao có thể làm phần lớn lá bị vàng khô, cây sinh trưởng kém. Đồng thời, bọ trĩ cùng với các loài rầy, rệp, bọ phấn là môi giới truyền bệnh virus rất nguy hiểm đối với cây ớt.

 Biện pháp phòng trị

Bọ trĩ rất sợ ánh sáng trực tiếp nên ban ngày chúng thường tập trung mặt dưới ở các gân lá chích hút nhựa. Khi trời râm mát chúng bò ra ngoài, do vậy nên phun thuốc khi sáng sớm hoặc chiều mát. Bọ trĩ có tính kháng thuốc rất cao, nên luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, sử dụng các hoạt chất Thiamethoxam, Imidacloprid, Abamectin…Có thể kết hợp với Dầu Khoáng để hạn chế tối đa tính kháng thuốc.

2. Nhện đỏ:

Nhện đỏ có kích thước cơ thể rất nhỏ, nhện trưởng thành và nhện non chích hút lá tạo ra những đốm lá trắng vàng có thể dễ nhận ra ở mặt trên của lá. Nếu cây bị gây hại nặng, có thể gây rụng chồi, rụng hoa. Ngoài ra, nhện còn thấy gây hại trên trái ớt làm trái sần sùi. Nhện đỏ phát triển mạnh khi trời khô hạn, cây được bón nhiều phân đạm.

 

 Biện pháp phòng trị

Phòng trị nhện bằng cách tưới nước giữ ẩm cho cây trong điều kiện mùa khô, khi mật độ nhện cao dùng phương pháp tưới phun với áp lực mạnh để rửa trôi nhện hạn chế mật độ nhện trên đồng ruộng. Khi mật độ nhện cao có thể dùng các loại thuốc có hoạt chất Abamectin, Propargite, Pyridaben để trị. Cần chú ý khi phun thuốc trừ nhện nên phun kỷ, phun nhiều nước và phun ướt đều cả hai mặt lá.

3. Nhóm sâu ăn tạp (gồm sâu xanh, sâu khoang...)

 Chúng thường gây hại tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây và phá hại tất cả các bộ phận của cây.

 Biện pháp phòng trị

Thường xuyên theo dõi kịp thời lúc sâu còn nhỏ. Phòng trị bằng cách ngắt bỏ ổ trứng, tổ sâu non, dùng thuốc khi mật số sâu cao với các hoạt chất Azadirachtin, Emamectin benzoate, Quinalphos…phun vào giai đoạn sâu non sẽ cho hiệu quả cao hơn.

4. Bệnh thán thư

Bệnh do nấm gây ra, bệnh có thể gây hại trên các bộ phận của cây ớt, tuy nhiên phổ biến nhất là trên trái ớt. Ban đầu vết bệnh hình bầu dục và hơi lõm vào, sau đó vết bệnh phát triển lớn dần và lan rộng ra, trên vết bệnh đôi khi ta thấy xuất hiện những vòng đồng tâm. Lúc đầu vết bệnh màu xanh đậm sau đó biến đổi thành nâu hay đen, khi nặng có thể làm cả trái bị thối khô teo tóp. Bệnh nặng có thể làm trái thối hàng loạt thậm chí không cho thu hoạch. 

Biện pháp phòng trị: Cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp

Vệ sinh ruộng vườn, tiêu hủy tàn dư cây trồng vụ trước. Trồng cây với mật độ thích hợp và xử lý cỏ dại để luôn tạo cho ruộng ớt thông thoáng.

Tưới tiêu nước hợp lý, không thường xuyên để ruộng ớt quá ẩm thấp.

Bón phân cân đối hợp lý, đầy đủ trung-vi lượng và không được dư đạm. Tăng cường phân hữu cơ hoai mục.

Nếu thấy bệnh chớm xuất hiện thì cần phun phòng trị bằng các hoạt chất Propineb, Azoxystrobin, Difenoconazole, Metominostrobin. Nên luân phiên thuốc để tăng hiệu quả phòng trị.

5. Bệnh héo xanh, héo tươi trên cây ớt

 Đây là bệnh hại đặc trưng của các cây họ cà ớt, bệnh gây hại nặng có thể khiến cây trong ruộng chết đến 80%. Nguyên nhân do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum.

Đặc điểm nhận diện là cây héo, đôi khi chỉ 1 - 2 nhánh nhất là khi trời nắng, nhưng lá vẫn còn xanh, sau đó khi trời chiều mát hay ban đêm cây lại phục hồi, tuy nhiên triệu chứng héo - tươi chỉ kéo dài vài ngày rồi cây chết hẳn, ở cây già triệu chứng thể hiện chậm hơn. Nếu nhổ cây lên ta thấy phần thân và rễ cây bị thối đen, mềm nhũn, dùng dao cắt ngang phần thân, rễ bị thối thì chúng ta thấy nơi vết bệnh mềm, ngửi có mùi hôi, lõi có màu đen. Nếu cho vào một cốc nước trong sẽ thấy dịch sữa trong chứa nhiều vi khuẩn chảy ra chầm chậm từ vết cắt. Bệnh héo xanh phát triển nhanh trên nền đất ẩm ướt, thoát nước kém.

Biện pháp phòng trị:

- Ruộng trồng cần bằng phẳng, tránh ruộng úng nước, thoát nước kém, nên luân canh, không trồng ớt trên ruộng các vụ trước đã trồng cây cùng họ cà ớt.

- Vệ sinh đồng ruộng, ruộng trồng phải sạch cỏ, thu gom tiêu hủy tàn dư thực vật.

- Lưu ý nguồn nước tưới khi mưa từ các ruộng có trồng cây họ cà ở bên trên nguồn vì có thể mang mang mầm bệnh lây lan xuống phía cuối nguồn nuớc bên dưới.

- Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục.

- Bệnh do vi khuẩn tương đối khó trị, cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm và phòng trị kịp thời. Nếu trên ruộng có cây bệnh phải lập tức nhổ bỏ và tiêu hủy ngay, dùng vôi bột rãi vào đất, phun ngừa ruộng ớt bằng các hoạt chất Copper Oxychloride, Kasugamycin hoặc Oxolinic acid.

Huy Thảo

CC. Trồng trọt & BVTV

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng