Bọ dừa - thiệt hại và phòng trị
Thứ hai, 11/2/2019

Bọ dừa có tên khoa học là Brontispa longissima (Gestro), thuộc họ Ánh kim (Chrysomelidae), Bộ cánh cứng, lớp côn trùng, ngành chân đốt, giới động vật.

Bọ dừa được ghi nhận gây hại cho nhiều loại cây trồng thuộc họ Cau, Dừa, trong đó chủ yếu là dừa giai đoạn vườn ươm, vườn trồng nhất là cây còn non.

Bọ dừa thường gây hại nặng vào mùa khô hơn mùa mưa

Đặc tính sinh học và gây hại:

Trứng: Hình bầu dục, hơi dẹp, màu nâu sậm, được đẻ từng quả rời rạc kết dính lại trong kẻ lá của đọt non chưa bung ra, trứng dính chặt vào mặt lá thành hàng dài. Trứng nở 4 - 5 ngày sau khi đẻ. 1 con cái có khả năng đẻ 120 trứng.

Ấu trùng: Có 5 tuổi (có tài liệu nói có 4 tuổi), ấu trùng tuổi 1 có màu trắng, đầu hơi to so với thân mình, trên mặt của lớp chitin có các gai nhỏ, ấu trùng tuổi 2 các gai mọc dài ra ở hai bên thân và một đôi gai giống như cái kẹp ở cuối bụng, ấu trùng tuổi lớn có thân mình hơi dẹp chuyển sang màu vàng nâu, gồm 13 đốt. Ấu trùng mới nở bắt đầu ăn lá non, ít di chuyển và có xu hướng sợ ánh sáng. Ấu trùng hại nặng hơn con trưởng thành. Giai đoạn ấu trùng kéo dài khoảng 30 – 40 ngày.

Nhộng: Giống ấu trùng tuổi 5, nhưng thân mình hơi co rút lại. Giai đoạn nhộng kéo dài khoảng 6 ngày trong kẽ lá non.

Thành trùng: Đầu có màu nâu đậm, có râu dài, ngực màu vàng nâu, cánh trước màu đen, đầu cánh có màu vàng nâu, cánh có ánh kim, trên cánh có các chấm trắng chạy dài dọc theo cánh. Con đực nhỏ hơn con cái. Khi lá chết khô, thành trùng sẽ di chuyển xuống cuống lá (bẹ) bên dưới chờ đọt kế tiếp mọc ra và tiếp tục gây hại. Nếu mật số bọ dừa cao, lá mới mọc ra sẽ bị bọ liên tục cắn phá làm cây suy kiệt dần, còi cọc, cho năng suất trái kém, nếu nặng cây có thể chết. Thành trùng sống kéo dài có thể đến 220 ngày.

Bọ dừa thường gây hại nặng vào mùa khô hơn mùa mưa (do vào mùa khô cây thiếu nước, sinh trưởng kém hơn, nếu cây cùng lúc bị kiến vương gây hại, thiệt hại sẽ càng trầm trọng hơn), dừa non bị hại nặng hơn vườn dừa già do cây có sức chống chịu tốt hơn, vườn ít chăm sóc bị hại nặng hơn vườn chăm sóc, bón phân tốt.

Do khả năng bay hạn chế nên bọ dừa chủ yếu phát tán nhờ con người (di chuyển cây giống từ nơi này sang nơi khác) và do gió.

Thiên địch: Gồm (1) Kiến, (2) Đuôi kiềm (Chelichoches sp), (3) Thiên địch ký sinh giai đoạn nhộng Tetrastichus brontispa, (4) Nấm ký sinh Metarhizum anisopliae var. anisopliae, (5) Nấm ký sinh Beauveria bassiana và (6) Ong ký sinh ấu trùng Asecodes hispinarum.

Cách phát hiện và phòng trị:

- Phát hiện: Quan sát lá non trên đọt, nếu thấy lá khô héo, có các vệt nâu dài dọc theo gân lá, nếu có thể, vạch kẽ lá để xem bên trong có trứng, ấu trùng hay thành trùng bên trong hay không.

- Phòng trị: Cần tiến hành đồng loạt trên diện rộng, có thể vận dụng các biện pháp sau:

Trước khi vận chuyển mua bán dừa giống hay các cây thuộc họ cau, dừa (cau bụng, cau vàng, cau trắng, cau đỏ, cau champagne, cọ cảnh, đủng đỉnh, dừa nước…) và cây họ thiên tuế từ vùng này sang vùng khác, cần kiểm tra lá đọt như đã nói trên, để phát hiện và phòng trị kịp thời không cho phát tán ra diện rộng.

Chăm sóc vườn dừa, cau kiểng, thiên tuế tốt, thường xuyên kiểm tra lá đọt để phát hiện sớm và phun thuốc trừ.

Bảo vệ thiên địch ăn mồi (kiến, đuôi kiềm), thiên địch ký sinh (ong ký sinh ấu trùng), nấm ký sinh…

Nuôi, nhân và phóng thích ong ký sinh Asecodes hispinarum.

Cây bị bọ dừa gây hại, nếu có thể, chặt và tiêu huỷ lá non để tiêu diệt trứng, ấu trùng nhộng và thành trùng bên trong.

Phun thuốc: Bọ dừa rất nhạy cảm với thuốc trừ sâu nhất là các loại thuốc có tính vị độc, tiếp xúc, lưu dẫn, do đó nếu điều kiện thuận lợi (cây thấp) và cho phép (không gây ô nhiễm môi trường xung quanh), có thể phun các loại thuốc như Sec Saigon 5, 10 hay 25EC, Brimgold 200WP lên đọt non dừa, cau kiểng… phun ướt đều kẽ lá non, phun buổi chiều tối.

Đặt thuốc vào bẹ lá: Do việc phải leo lên cây phun thuốc rất nguy hiểm và tốn công sức lại hại thiên địch, nên biện phát hiệu quả, ít gây ô nhiễm và tương đối đơn giản là dùng thuốc Gà Nòi 4 GR (bỏ thuốc hạt vô vải mùng, gói khoảng 20 – 30g), đặt vào bẹ lá non của cây dừa, cau. Do tác dụng tiếp xúc, vị độc, thấm sâu nên thuốc sẽ diệt ấu trùng và cả bọ trưởng thành sống bên trong lá.

*Lưu ý: Chỉ đặt thuốc khi cây dừa đủ lớn, trên 5 năm tuổi.

BBT – Nguồn: NNVN

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng