Bình Tân- đạt nhiều thành tựu, vững bước tiến lên xây dựng huyện nông thôn mới
Thứ hai, 11/5/2020

Bình Tân là huyện nông nghiệp, phát triển kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, nhiệm kỳ qua (2015- 2020), Đảng bộ, quân và dân huyện Bình Tân đã phát huy tối đa những mặt thuận lợi, đồng thời khắc phục khó khăn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từng bước đưa Bình Tân cất cánh vươn lên theo kịp đà phát triển chung của tỉnh.

             Xác định nông nghiệp là mũi nhọn hàng đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Trong đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Đề án 03 Tỉnh ủy về nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững (giai đoạn 2016- 2020) được huyện cụ thể hóa bằng Kế hoạch 73 của Huyện ủy tập trung chỉ đạo thực hiện rải giống, rải vụ đối với cây trồng chủ lực- khoai lang. Đồng thời, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm diện tích lúa kém hiệu quả, tăng diện tích trồng màu và vườn cây ăn trái; xây dựng mô hình chuyên canh, đa dạng hóa các chủng loại rau màu, cùng với đó đầu tư hệ thống thủy lợi, đảm bảo khép kín 97% diện tích đất sản xuất. Lĩnh vực chăn nuôi, tuy có gặp khó do dịch bệnh, giá cả hàng quá, song điểm sáng về nuôi thủy sản- đặc biệt nuôi cá tra theo hướng công nghiệp ven sông Hậu- được duy trì tốt,… Qua đây nâng giá trị nông nghiệp- thủy sản của địa phương tăng bình quân 3,13%/năm, trong đó giá trị nông nghiệp tăng 3,06% (vượt 0,06% so chỉ tiêu).

Sản xuất khoai lang trên đồng đất Bình Tân

Nhiệm kỳ qua, Bình Tân tập trung huy động mọi nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội bền vững theo hướng 3 khâu đột phá.

 Theo đó, trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này của huyện đạt hơn 719 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách hỗ trợ từ TW là 169 tỷ; ngân sách tỉnh 94 tỷ; nguồn phân cấp cho huyện 356 tỷ và huy động sức dân với tổng giá trị gần 210 tỷ đồng. Qua đây, chỉ riêng kết cấu hạ tầng giao thông đầu tư 350 tỷ đồng, xây dựng được 12,24 km đường nhựa đô thị, tăng mật độ giao thông đô thị đạt 3,2 km/km2. Đồng thời, tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Tân Quới từ 227ha lên 1.471,8ha; công tác đánh giá phân loại đô thị Tân Quới hoàn thành được UBND tỉnh công nhận đô thị loại V và UBTV Quốc hội ban hành NQ thành lập thị trấn Tân Quới. Bên cạnh, các công trình giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện, với 143 km đường liên xã; 209 km đường liên ấp đi qua tất cả 81 ấp trên địa bàn.

Cùng với phát triển hạ tầng kỹ thuật, địa phương xúc tiến kêu gọi đầu tư Dự án chỉnh trang đô thị gắn với xây dựng nhà phố Tân Quới, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, xây dựng chợ Tân Quới theo tiêu chí NTM và đô thị loại V; hàng hóa được trưng bày, quảng bá, giới thiệu thế mạnh sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần đưa Tân Quới trở thành thị trấn mới với những nét đặc trưng của miền sông nước “chín rồng”. Song song với phát triển chợ Tân Quới, huyện cũng đã chuyển đổi 7/12 chợ sang mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh theo đúng chủ trương, chính sách mới, với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 10,8%/ năm; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 10,3%/năm, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng xã hội. Riêng lĩnh vực CN- TTCN cũng có nhiều khởi sắc. Các ngành nghề truyền thống tại địa phương được duy trì, cùng với đó mở rộng thêm một số cơ sở ngành nghề mới, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ, giải quyết triệt để tình trạng nông nhàn khi giáp hạt, góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành CN đạt 6,34% (vượt 2,34% so chỉ tiêu).

Nhiệm kỳ qua, qua cuộc vận động “Bình Tân chung sức xây dựng NTM”, Ban chỉ đạo huyện thường xuyên phát động phong trào thi đua yêu nước, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình mục tiêu quốc gia NTM. Qua thực hiện, diện mạo nông thôn Bình Tân có nhiều khởi sắc, các tuyến đường giờ đây sáng- xanh- sạch đẹp, công sở và nhà ở dân cư được trang bị thiết chế văn hóa; đời sống vật chất tinh thần người dân từng bước được nâng lên. Đến nay, huyện có 6/10 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% chỉ tiêu. Địa phương phấn đấu đến cuối năm nay, ngoài xây dựng 2 xã NTM nâng cao, còn đưa thêm 2 xã Tân Thành và Tân Hưng “về đích” và 2 xã Tân An Thạnh, Thành Lợi đạt từ 15 tiêu chí trở lên; phấn đấu đưa huyện đạt 5/9 tiêu chí NTM,…

  Trong nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng, chính quyền và ban ngành đoàn thể địa phương còn áp dụng nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Công tác chính sách xã hội và ASXH luôn được chú trọng. Thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn; ăn trái nhớ người trồng cây”, ngành chức năng chi hỗ trợ cho gia đình chính sách được 19.620 lượt, với số tiền 375,6 tỷ đồng; lập hồ sơ phong tặng, truy tặng 59 mẹ VNAH, nâng tổng số toàn huyện có 89 mẹ; cất và sữa chữa 94 căn nhà tình nghĩa. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cũng được triển khai rộng rãi. Đến cuối nhiệm kỳ, 2.165 lao động có việc làm thường xuyên; 510 lao động xuất khẩu ra nước ngoài làm việc ổn định có thời hạn. Trong đó, 1.538 lao động được đào tạo nghề bài bản, nâng tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ từ sơ cấp nghề trở lên là 24.235 người, chiếm 40% tổng số lao động. Đồng thời, trợ vốn sinh kế cho 770 hộ nghèo, cận nghèo và các chính sách hỗ trợ khác như: cấp thẻ BHYT, hỗ trợ tiền điện, tặng quà tết, xây nhà đại đoàn kết,… góp phần kéo giảm 181 hộ nghèo, đạt 105,8% chỉ tiêu.

Về lĩnh vực văn hóa- xã hội, tính đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ học sinh khá giỏi các cấp và đậu tốt nghiệp THPT đạt từ 96- 99%; nhiều học sinh thi đổ vào các trường đại học danh tiếng; trẻ 5 tuổi huy động đến trường đạt 100%; 22/40 trường đạt chuẩn QG, (tăng 10 trường so với đầu nhiệm kỳ). Đồng thời, duy trì tốt công tác phổ cập giáo dục bậc tiểu học và THCS, 100% xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2… Bên cạnh, trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bệnh viện đa khoa huyện hoạt động tốt đáp ứng nhu cầu khám- chữa bệnh người dân. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, như: tiêm chủng mở rộng, chiến dịch truyền thông dân số, CSSKSS- KHHGĐ, phòng chống dịch bệnh,… thực hiện đạt chỉ tiêu.

Các phong trào VH- VN, TD- TT của huyện luôn được duy trì, với 16 CLB TD- TT, 12 CLB đờn ca tài tử sinh hoạt đều đặn; tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TD- TT thường xuyên chiếm 31,57% dân số; kết quả hoạt động phong trào đạt 250 huy chương các loại. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ, huyện còn xây dựng được 23.358 gia đình văn hóa, chiếm 91,86%; 6/10 xã văn hóa NTM chiếm 54,55%; nhiều mô hình phòng chống bạo lực gia đình được duy trì, tạo sự ổn định cho cộng đồng, xã hội. Riêng về công tác bảo tàng- bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể- phi vật thể luôn, đến nay, 43 cơ sở thờ tự, 2 di tích trên địa bàn được công nhận di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh, 3 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước vinh danh.

            Hàng năm, huyện luôn hoàn thành tốt công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thông qua các cuộc diễn tập 2 cấp huyện, xã. An ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, ổn định; tai nạn giao thông kéo giảm qua từng năm; các mô hình phòng chống tội phạm ngày càng nhân rộng và phát huy hiệu quả. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thực hiện đúng quy trình. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai phạm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Để xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, nhiệm kỳ qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, huyện ra sức củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở; năng lực lãnh- chỉ đạo của các cấp ủy luôn đổi mới, nâng cao. Hoạt động của HĐND, UBND và các phòng, ban chuyên môn không ngừng được tăng cường, đổi mới. Công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo xu hướng thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Huyện ủy luôn xác định công tác tổ chức, cán bộ là 1 trong những nhiệm vụ then chốt trọng tâm hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Vì lẽ đó, nhiệm kỳ qua, khi triển khai thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ- nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý- theo hướng sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị theo Đề án 06-ĐA/HU của Huyện ủy và đặc biệt gần đây, thực hiện theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc sáp nhập cơ quan hành chính cấp xã, các cấp ủy và quyền địa phương luôn có sự cân nhắc, lựa chọn, thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình. Nhờ vậy, hiện nay, tâm trạng xã hội cũng như lập trường, tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, CC- VC tại địa phương là ổn định; luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, NN, tỏ rõ quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ cũng theo đúng quy trình, đáp ứng tốt dự nguồn trước mắt và lâu dài. Qua 168 lớp đào tạo trong nhiệm kỳ, địa phương đã trang bị khá tốt kiến thức, trình độ lý luận và chuyên môn cho 11.346 cán bộ, đảng viên. Đồng thời, kết nạp mới được 581 đồng chí vào hàng ngũ của Đảng, vượt 116% so chỉ tiêu, nâng tổng số đến nay toàn Đảng bộ có 2.779 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 36 chi- đảng bộ cơ sở.

Thông qua Chủ đề xuyên suốt Đại hội: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; Phát huy sức mạnh toàn dân; Xây dựng và nâng chất lượng thương hiệu sản phẩm NN; Sớm trở thành huyện đạt chuẩn NTM”, với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”, trong nhiệm kỳ 2020- 2025 lần này, Đảng bộ huyện Bình Tân đã xây dựng 3 nhóm chỉ tiêu NQ, gồm: phát triển kinh tế; xã hội- môi trường và xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời, đề ra 3 khâu đột phá: Một là, phát triển hạ tầng KT- XH, tập trung xây dựng thị trấn Tân Quới đạt chuẩn đô thị văn minh; hai là, phát triển NN theo hướng ứng dụng công nghệ cao; thu hút đầu tư phát triển CN, TM- DV và du lịch; ba là, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển KT- XH.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, huyện sẽ tập trung khai tác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: NN- TM- DV và du lịch, CN và xây dựng. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, tìm giải pháp sớm đưa 2 xã Tân An Thạnh và Thành Lợi đạt chuẩn NTM để huyện kịp “về đích” NTM theo lộ trình của Tỉnh ủy; cùng với đó, đưa thị trấn Tân Quới đạt chuẩn đô thị văn minh. Trước mắt, các ngành, các cấp- nhất là ngành nông nghiệp- tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 03 của Tỉnh ủy. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và phương thức canh tác theo hướng chuyên canh và luân canh lúa- màu; triển khai các đề tài khoa học cấp huyện được duyệt và đánh giá cao vào ứng dụng cho các xã; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả sau khi các viện, trường triển khai. Đồng thời, tăng cường vận động khuyến khích con em, học sinh có điều kiện đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gắn với học hỏi kinh nghiệm sản xuất về áp dụng tại địa phương; khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể hình thành các CLB sản xuất kinh doanh giỏi trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, điều hành; củng cố phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, gắn liên kết với tiêu thụ sản phẩm, tư vấn người dân sản xuất theo hướng an toàn và có chính sách về giá để bà con an tâm sản xuất.

Tiếp tục duy trì và phát huy những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua, trong nhiệm kỳ mới (2020- 2025) dự báo sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức đối với vùng đất được mệnh danh là “xứ rẫy”. Chặng đường phía trước còn dài, nhưng với quyết tâm nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân huyện nhà, hứa hẹn Bình Tân sẽ tiếp tục gặt hái thành công nhiều hơn nữa trong tương lai không xa.

 BÀI, ẢNH: Công Phúc             

(Đài Truyền thanh Bình Tân)

 

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng