Định hướng sản xuất Nông nghiệp huyện Tam Bình năm 2020
Thứ tư, 12/2/2020

Năm 2020, huyện Tam Bình tiếp tục lãnh đạo thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu của thị trường. Triển khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các chính sách hỗ trợ nông nghiệp theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản: tăng 2,5% so năm 2019.  Giá trị trên 01 đơn vị diện tích đạt 134 triệu đồng/ha/năm, tăng 0,6% so năm 2019.

 

Trên lĩnh vực trồng trọt: Tiếp tục vận động những nơi sản xuất lúa không hiệu quả chuyển sang trồng màu, nuôi trồng thủy sản phù hợp để tăng thu nhập cho người dân. Xây dựng Kế hoạch chỉ đạo sản xuất 2 vụ lúa - 1 vụ màu, hoặc nuôi cả, hoặc thả nước lây phù sa trong năm ở xã Bình Ninh, Long Phú, Mỹ Lộc, Tân Lộc, mỗi xã phải vận động có diện tích sản xuất lúa 2 vụ từ 1/3 diện tích trở lên.

Đảm bảo 98% diện tích áp dụng biện pháp “3 giảm 3 tăng”, tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch; năng suất lúa bình quân 2 vụ chính trong năm đạt 6,2 tấn/ha. Giữ vững và nhân rộng các mô hình bao tiêu sản phẩm trong cánh đồng mẫu.

Ảnh:Tam Bình chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa

Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong năm 2018, 2019, đồng thời năm 2020 huyện chọn 05 mô hình sản xuất tập trung để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đó là: Chỉ đạo mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với sản xuất theo hướng công nghệ cao ở ấp 9 xã Mỹ Lộc; liên kết chuỗi giá trị trên cây thanh long 30 ha ở xã Hậu Lộc; xây dựng mô hình tập trung cây sầu riêng 20 ha ở xã Mỹ Thạnh Trung, màu chuyên canh 200 ha ở xã Ngãi Tứ; vườn chuyên canh ở ấp 10, xã Hoà Hiệp.

Đẩy mạnh vận động trồng rau màu, phấn đấu toàn huyện thực hiện 6.500 ha, tăng 3,01% so với năm 2019. Trong đó màu ruộng 2.820 ha, tăng 2,68% so năm 2019.

- Tiếp tục chỉ đạo cải tạo vườn kém hiệu quả, theo hướng trồng cây ăn chuyên canh, khuyến khích người dân trồng những loại cây ăn trái phù hợp với thị trường và điều kiện gia đình, đảm bảo quy trình kỹ thuật, an toàn sinh học; chỉ đạo xây dựng mô hình vườn mẫu ở các xã, thị trấn; phấn đấu diện tích vườn cây ăn trái toàn huyện đến cuối năm đạt 8.300 ha, tăng 0,33% so năm 2019.

Quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển dịch vụ nông nghiệp.

            Trên lĩnh vực chăn nuôi-Thủy sản:

            Lãnh đạo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản theo hướng tập trung; tăng cường công tác phòng, tránh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Vận động phát triển tổng đàn năm 2020:

            - Đàn heo: 40.000 con, giảm 41,8% so với năm 2019.

            - Đàn bò: 16.300 con,  tăng 0,47% so với năm 2019.

- Đàn dê: 9.200 con,  tăng 2,31% so với năm 2019.

            - Đàn gia cầm: 2.850.000 con, tăng 1,02% so với năm 2019.

            - Diện tích nuôi thủy sản: 700 ha, tăng 1,6% so năm 2019, chú trọng phát triển giống thủy đặc sản để nâng cao giá trị thủy sản.

            Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tạo điều kiện môi trường thuận lợi để nhà đầu tư phát triển mở rộng công nghiệp trên địa bàn. Ưu tiên phát triển các

ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ. Phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh thực hiện các chính sách khuyến công để hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh đổi mới công nghệ sản xuất. Nâng cao chất lượng các làng nghề, các ngành nghề  hiện có, hỗ  trợ  thành lập mới các làng nghề  ở  nơi có điều kiện. 

Mỗi xã, thị trấn sản xuất có hiệu quả được ít nhất một sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để phát triển sản xuất, phấn đấu 30% sản phẩm được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện chứng nhận./.

P.S

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng