Bình Tân: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương
Thứ hai, 16/3/2020

Năm 2019 là năm thứ 6 huyện Bình Tân triển khai thực hiện Đề án 03 của tỉnh ủy Vĩnh Long về "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, giai đoạn 2014 – 2020" và cũng là năm thứ hai thực hiện Quyết định số 879/QĐ-UBND, ngày 13/01/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Qua thời gian thực hiện, kinh tế nông nghiệp của huyện Bình Tân đã tăng trưởng rõ rệt, dao động từ 3% - 4% mỗi năm và thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên 43,5 triệu đồng/người/năm, góp phần quan trọng vào lộ trình đưa huyện Bình Tân đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022 theo Nghị quyết đề ra.

Nhìn lại trong năm 2019, nhờ triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của huyện Bình Tân đạt 3.485tỷ đồng, đạt 100,01% Nghị quyết, tăng 3,01% so với năm 2018; thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 36,4 triệu đồng/người/năm lên 43,5 triệu đồng/năm, tăng 7,1 triệu đồng/người so với năm 2018. Diện tích sản xuất 03 vụ lúa trong năm chỉ còn 1.860ha, chiếm 19,3% diện tích cây hàng năm và giảm 42ha so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu tập trung tại 02 xã Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Thảnh. Đối với cơ cấu mùa vụ, 02 vụ lúa kết hợp 01 vụ màu và 02 vụ màu kết hợp 01 vụ lúa cũng giảm gần 1.600ha. Trong khi đó, diện tích trồng màu chuyên canh tăng lên 1.422ha. Nhìn chung, việc sản xuất luân canh lúa – màu và màu chuyên canh, thực lãi cao gấp từ 2,18 đến 7,82 lần so sản xuất thuần 03 vụ lúa trong năm trên cùng một đơn vị diện tích. Vì vậy, theo chủ trương của huyện Bình Tân, người dân cần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cây trồng phù hợp với điều kiện thỗ nhưỡng của mỗi địa phương và đặc điểm riêng của từng vùng để tăng thu nhập kinh tế gia đình và giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Đáng chú ý, trong năm vừa qua, nông dân huyện Bình Tân đã dần thay đổi trong việc chọn giống để sản xuất lúa, trong tổng diện tích lúa cả năm là 9.199ha thì nông dân gieo sạ các loại giống chất lượng cao như: OM 5451, OM 4900, OM 6976, OM 6561...... được 4.696ha, chiếm 51% tổng diện tích gieo sạ, tăng 6% so với năm 2018 và vượt 1% so với kế hoạch. Mỹ Thuận vẫn là địa phương đi đầu trong việc vận động nông dân sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao, do địa phương đã thành lập được nhiều tổ hợp tác sản xuất và được ký kết hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp nên người dân rất yên tâm trong việc sản xuất; đặc biệt, khi tham gia sản xuất tập trung các tổ viên trong tổ hợp tác còn tiết kiệm được chi phí sản xuất, góp phần tăng lợi nhuận.

            Đối với việc triển khai thực hiện các sản phẩm chủ lực của huyện, trong lĩnh vực trọt, huyện Bình Tân chọn 3 cây chủ lực là khoai lang, hành lá và cây ăn trái. Đối với cây khoai lang, kế hoạch sản xuất mỗi năm là 10.750ha, trong năm đã thực hiện 12.920ha, tăng 2.170ha, đạt 120,18% so kế hoạch; đối với hành lá, kế hoạch sản xuất mỗi năm là 2.350ha, đã thực hiện 2.883ha, tăng 533ha và đạt 122,7% so kế hoạch; còn đối với cây ăn trái, theo kế hoạch tổng diện tích vườn cây có múi đến năm 2020 - 2030 từ 1.700 – 2.200ha (sau khi đã hoàn thành đê bao ven sông Hậu). Đến nay, diện tích vườn cây có múi đang cho sản phẩm khoảng 580ha, diện tích vườn chuyên canh các loại là 1.876ha. Sản lượng ước đạt 40.908 tấn; tăng 3.908 tấn, đạt 110,56% so kế họach; so cùng kỳ tăng  5.141 tấn. Về hiệu quả kinh tế đối với cây ăn trái thì lãi cao từ 2,18 đến 4,5 lần so với sản xuất thuần 03 vụ lúa trên cùng một đơn vị diện tích; cá biệt  cây mít Thái thực lãi gấp 7 lần và nhãn Idor, mận An Phước cũng thực lãi gấp 3-4 lần so với trồng 3 vụ lúa.

            Đối với chăn nuôi, huyện xác định 02 con là con bò và con heo là 02 sản phẩm chăn nuôi chủ lực. Đối với con bò, kế hoạch nuôi mỗi năm từ 3.500 con, tổng đàn trong năm 2019 là 1.731 con, đạt 49,4% kế hoạch và tổng đàn heo là 30.569, đạt 76% kế hoạch. Nhìn chung, đàn bò và heo không đạt chỉ tiêu là do giá cả trong năm có những thời điểm không có lợi cho người chăn nuôi, phải đầu tư chi phí lớn và thời gian nuôi kéo dài nên một phần người chăn nuôi hiện nay ưu tiên nuôi dê và gia cầm. Do đó, tổng đàn dê vượt chỉ tiêu kế hoạch 18% và đàn gia cầm vượt chỉ tiêu 12% - đây được xem là giải pháp có lợi cho người chăn nuôi, vì người dân đã tận dụng được phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp và thay thế một phần cho thịt heo do ảnh hưởng dịch tả heo Châu Phi. Về tái cơ cấu nghề nuôi thủy sản, huyện tiếp tục kết hợp Chi cục Thủy sản hướng dẫn 04 trang trại, gồm: Tân An Thạnh 03 trang trại, diện tích 36,6ha; Tân Quới 01 trang trại, diện tích 5,6ha và 03 tổ hợp tác ở xã Tân Quới, diện tích 17,5ha. Tổng diện tích gần 60ha, chiếm 72,9% diện tích đang nuôi và định hướng sẽ nuôi theo hướng VietGap, GlobalGap.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì trước tiên huyện Bình Tân cần chú trọng phát triển hệ thống thủy lợi, để đảm bảo cho việc tưới tiêu trong mùa hạn và phòng chống lũ khi thủy triều lên cao. Do đó, trong năm 2019, huyện đã thực hiện hoàn thành 7 công trình cơ giới, với chiều dài trên 13.000m, khối lượng đào đắp gần 57.000m3 và 21 công trình thủy lợi nội đồng, với chiều dài trên 7.600m, khối lượng đất đào đắp trên 20.000m3. Bên cạnh đó, nhân dân còn nạo vét bằng thủ công mương tưới để tưới cho 6.000ha đất canh tác, tổng chiều dài khoảng 6.000.000m.

Tuy trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Bình Tân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước trong mùa khô; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng khó lường dẫn đến chi phí đầu tư tăng cao; giá cả các mặt hàng nông sản biến động liên tục ảnh hưởng đến thu nhập của người dân..... Nhưng với sự lãnh chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, cùng với sự đồng tình của người dân nên nhiều địa phương đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.       

            Trong năm 2020, huyện Bình Tân tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động nhân dân trên cơ sở giảm diện tích trồng 03 vụ lúa, tăng diện tích thâm canh, luân canh màu và tăng năng suất vườn cây ăn trái; phát triển ngành chăn nuôi theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đặc biệt, khôi phục lại nghề nuôi thủy sản ven sông Hậu theo hướng công nghiệp; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; bố trí thời vụ hợp lý để có thời gian xả lũ đón phù sa vào đồng ruộng, giúp tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trong đất và khôi phục độ màu mỡ của đất, góp phần tăng năng suất trong các vụ mùa tiếp theo. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại để tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng nông sản chủ lực của huyện như: khoai lang, hành lá, cây có múi ..... Qua đây, từng bước đưa ngành nông nghiệp huyện Bình Tân ngày càng phát triển bền vững, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân và đóng góp tích cực vào tổng cơ cấu toàn ngành theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội đảng bộ huyện Bình Tân đề ra. 

                                                                                                         Trung Thành

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng