Bình Tân: Nông dân cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên hành lá trong mùa nắng
Thứ hai, 16/3/2020

Bình Tân là địa phương có diện tích trồng màu lớn nhất trong tỉnh Vĩnh Long, với tổng diện tích được xuống giống mỗi năm trên 20.000ha. Cùng với khoai lang, hành lá là một trong hai loại màu chủ lực của huyện Bình Tân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tổng giá trị toàn ngành. Tuy nhiên, hiện nay, đang trong mùa nắng nóng – đây là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh hại trên hành lá phát triển mạnh. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng ngừa một cách có hiệu quả, đảm bảo năng suất và chất lượng hành lá khi thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình. 

Hành lá còn nhỏ dễ bị sâu bệnh hại tấn công

Theo Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân, từ đầu năm 2020 đến nay, nông dân trong huyện đã xuống giống trên 1.000ha hành lá. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, hành lá dễ bị bệnh luộc lá và sâu xanh da tấn công, gây hại ở hầu hết các giai đoạn phát triển. Theo nhiều nông dân trồng hành cho biết, sâu xanh da láng tấn công và gây hại mạnh nhất là vào thời điểm hành lá được trồng khoảng từ 20 – 40 ngày tuổi. Nếu trong giai đoạn này nông dân quản lý chặt chẽ và chủ động phòng ngừa dịch bệnh sẽ giúp hành lá phát triển tốt. Nếu hành lá bị sâu xanh da láng tấn công và gây hại nặng sẽ rất khó để phòng trị. Vì lúc này sâu đã ở bên trong của cọng hành nên rất khó để phun thuốc bảo vệ thực vật tiêu diệt sâu hại. Do đó, bà con cần thường xuyên thăm rẫy để phát hiện và phòng trị kịp thời, chú ý không nên quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trước lúc chuẩn bị thu hoạch để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ngành chuyên môn, hành lá không kén đất trồng và được trồng quanh năm. Tuy nhiên, trồng vào mùa nắng thì  hành lá sẽ cho năng suất cao hơn mùa mưa. Do cây hành có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng từ 50 – 60 ngày, nên việc làm đầu tiên khi trồng hành là phải làm đất thật kỹ. Đất trồng hành phải được phơi ải và lên liếp cao, mặt đất phải được làm tơi  nhỏ và sạch cỏ dại. Nên bón vôi xử lý đất, tiêu diệt nấm bệnh và vi khuẩn tồn tại trong đất khoảng 3 ngày trước khi xuống giống. Trong suốt thời gian sinh trưởng của cây hành lá có rất nhiều đối tượng sâu bệnh xuất hiện và gây hại. Vì thế bà con nên kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện và có biện pháp phòng trị kịp thời. Đối với sâu hại trên cây hành, tuy mỗi loài có cách gây hại khác nhau nhưng có đặc điểm chung là ở giai đoạn sâu non chúng cắn phá rất dữ, sau đó đục lỗ chui vào bên trong ống lá hành và gây hại tiếp, điển hình nhất là sâu xanh da láng, dòi hại lá hành ……. Vì vậy phải phun thuốc phòng trừ sớm, lúc chúng bắt đầu xuất hiện ở tuổi còn nhỏ; không nên để sâu lớn vì lúc này chúng chui vào trong lá hành, thì việc phòng trị sẽ rất khó khăn. Khi sử dụng thuốc BVTV, người trồng cần lưu ý nên tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng và luân phiên nhiều loại thuốc với nhau thì việc phòng ngừa sâu hại  mới có hiệu quả cao.

          Đối với bệnh hại trên cây hành lá, bà con cần lưu ý các đối tượng chính đó là bệnh thán thư, đốm lá và thối gốc. Đây là các loại bệnh xuất hiện khá phổ biến và gây hại nặng cho cây hành, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng hành khi thu hoạch. Các bệnh này thường gây hại trên cây hành khá sớm, từ lúc mới xuống giống lúc cây còn nhỏ cho đến khi thu hoạch. Điển hình nhất là bệnh thán thư và thối gốc, chúng tấn công mạnh vào gốc hoặc lá non của cây hành làm cho các phần này bị hư, nếu cây nhiễm bệnh nặng sẽ bị thối và chết. Từ đó sẽ làm giảm năng suất rất lớn, thậm chí bị còn mất trắng nếu như không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.  Đối với việc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hành lá bằng thuốc BVTV, bà con nên chú ý phun thuốc khi cây trồng vừa mới bị nhiễm bệnh và lúc sâu đang ở  vào thời kỳ còn nhỏ. Lưu ý khi áp dụng biện pháp này phải sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm và đúng kỹ thuật thì việc phòng ngừa sâu bệnh hại mới có hiệu quả cao. Điều quan trọng là khi phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc hóa học, không nên dùng một loại thuốc mà phải luân phiên các loại thuốc với nhau để tránh sự kháng thuốc của dịch hại.

Ngoài ra, trong kỹ thuật canh tác bà con cần lưu ý nên trồng hành với mật độ vừa phải, không nên trồng quá dày sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển gây hại. Thường xuyên phòng ngừa cỏ dại để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng của cỏ đối với cây hành, nhất là ở giai đoạn cây còn nhỏ. Làm vệ sinh đồng ruộng và đặc biệt cần chú ý là đảm bảo lượng nước tưới vừa phải, bón phân cân đối không thừa đạm…. để cho cây hành phát triển khỏe, nở bụi  tốt, cho  năng suất cao. Đồng thời, cần luân canh thay thế bằng một số loại cây trồng khác nhằm cách ly mầm bệnh và sâu hại đảm bảo cho các vụ sau đạt hiệu quả cao hơn.

Có thể nói, hành lá là một trong các loại màu được bà con nông dân trong huyện Bình Tân ưu tiên phát triển, đặc biệt là tại các xã ven theo Quốc lộ 54 như: Tân Bình, Tân Lược, Tân An Thạnh, Tân Quới và Thành Lợi…. Nếu nông dân huyện Bình Tân trồng hành lá đạt hiệu quả sẽ góp phần nâng cao tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện theo chỉ tiêu đề ra.

                                                                                                                       Trung Thành

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng