Phát triển kinh tế gia đình nhờ mô hình trồng ngò gai
Thứ hai, 16/3/2020

Thời gian qua, nhiều hội viên Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Bình Tân đã tích cực mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp như: mô hình nuôi dê, nuôi vịt xiêm, trồng mít Thái, trồng đậu nành rau,…; từ đó, ổn định được cuộc sống vươn lên khá giàu. Trong số đó, nổi bật có mô hình trồng ngò gai của chị Nguyễn Thị Kim Cương, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Bình Tân.

Hình minh họa

Là một trong những hội viên nòng cốt của Hội Phụ nữ xã Tân Thành, chị Kim Cương luôn hăng hái đi đầu trong mọi hoạt động của Hội, tích cực hưởng ứng những phong trào do Hội phát động. Năm 2017, được Hội PN xã Tân Thành phát động về việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, chị đã mạnh dạn chuyển đổi 3,6 công đất nhà đang trồng khoai lang để trồng cây ngò gai.

Chị chia sẻ, ngò gai là cây trồng ngắn ngày, rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng đầu ra ổn định, giá bán không biến động nhiều. Thời gian đầu do chưa nắm vững kỹ thuật canh tác nên nhiều diện tích ngò bị vàng lá, không phát triển mạnh và chết.

Tuy nhiên với sự quyết tâm, mài mò, chịu khó học hỏi chị đã tìm hiểu, tham khảo những nơi trồng ngò lâu năm; sau đó, về áp dụng trên đất nhà thì cho hiệu quả khả quan.

Chị Nguyễn Thị Kim Cương chia sẻ: “Thời điểm bắt đầu tôi tìm hiểu cách chăm sóc và thu hoạch ngò, tìm kiếm nơi tiêu thụ. Qua tìm hiểu tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 3.600 mét vuông đất trồng khoai lang sang trồng ngò. Sau 3 tháng 15 ngày thì bắt đầu thu hoạch lần thứ nhất và kể từ lần thứ hai trở về sau là thời gian cách nhau 1 tháng. Với giá bán từ 10 – 15 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi công ngò sau khi trừ chi phí tôi còn lời khoảng 10-15 triệu đồng/công.”

            Mô hình trồng ngò gai không chỉ giúp cho chị Kim Cương nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều chị em lao động nhàn rỗi tại địa phương. Từ việc làm cỏ, cắt bông ngò trong quá trình ngò phát triển đến khâu cắt ngò, lặt ngò và bó ngò trong thu hoạch. Mỗi ngày làm, các chị em được trả tiền công từ 100 – 120 ngàn đồng/ người/ ngày.

Chị Nguyễn Thị Kim Cương cho biết thêm: “Tham gia mô hình, tôi và các thành viên đã tạo thêm thu nhập cho các chị em xung quanh để ổn định kinh tế. Tôi mong muốn mô hình này sẽ ngày càng phát triển và mở rộng hơn nữa để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho chị em trong xã, ấp giúp chị em có thêm thu nhập, vừa có thời gian chăm lo gia đình.”

            Với lợi ích và hiệu quả thiết thực từ mô hình trồng ngò gai, chị Kim Cương đã mạnh dạn mở rộng quy mô trồng, nâng tổng diện tích ngò gai hiện có của gia đình chị lên 7,6 công. Bên cạnh đó, chị còn vận động chị em xung quanh chuyển đổi cây trồng để thành lập mô hình sản xuất ngò trên diện rộng. Đến nay đã có 15 chị tham gia với tổng diện tích trồng ngò gai trên địa bàn xã là 15.000 mét vuông.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp không chỉ giúp phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình cho nhiều chị em phụ nữ mà còn góp phần thích ứng có hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu tại địa phương.

Ái Xuân

Trung tâm VHTT&TT huyện Bình Tân

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng