Phát triển mạnh vùng nguyên liệu khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long)
Thứ năm, 16/5/2019

Khoai lang là cây màu truyền thống, đặc sản của xứ rẫy Bình Tân (Vĩnh Long), với chất lượng thơm ngon nổi tiếng, nhờ tay nghề của người trồng và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Hiện, khoai lang Bình Tân đã có nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Bình Tân”, có logo là “BINHTAN SWEET POTATOES- Khoai lang Bình Tân- Vĩnh Long- Việt Nam”.

Phóng viên tham quan mô hình cánh đồng mẫu khoai lang Thành Đông

 Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện xác định khoai lang vẫn là loại màu chủ lực, vì vậy mỗi năm địa phương phấn đấu ổn định diện tích từ 11.000 – 13.000 ha. Và 95% diện tích được trồng tập trung tại các xã như: Thành Lợi, Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Lược, Tân An Thạnh và một phần của 2 xã Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh. Các giống khoai được trồng phổ biến hiện nay là: trắng giấy, trắng sữa, bí đường, bí nghệ và tím Nhật, ước sản lượng đạt từ 300- 400 ngàn tấn/năm. Thời vụ khoai trồng quanh năm nhưng tập trung nhiều vào mùa nắng- chính vụ Đông Xuân từ tháng 1- 5 hàng năm. Khoai trồng vụ này luôn cho năng suất cao (giống khoai tím Nhật đạt bình quân 30 tấn/ha) và có giá bán cao hơn so với các vụ khác trong năm.

 Thị trường tiêu thụ khoai lang của huyện đa phần phục vụ cho xuất khẩu (chiếm 86%), chủ yếu xuất qua Trung Quốc, một số ít xuất sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,… còn lại 14% là tiêu thụ nội địa. Hiện nay, thương hiệu khoai lang Bình Tân khá nổi tiếng trên thị trường. Việc khai thác thương hiệu đã được doanh nghiệp Nhật Thành và HTX Khoai lang Tân Thành thực hiện.

Hiện ở Bình Tân đã thành lập được 2 HTX, trong đó, HTX Khoai lang Thành Đông có tổng diện tích sản xuất 15 ha, mỗi vụ cung ứng cho thị trường hơn 300 tấn khoai đạt tiêu chuẩn an toàn. HTX được Viện Nghiên cứu rau quả đầu tư một kho lạnh với sức chứa hơn 2 tấn/ngày. HTX Khoai lang Tân Thành có diện tích sản xuất 7 ha, mỗi ngày cung ứng cho thị trường 35 tấn khoai; HTX cũng đã xây dựng 1 kho chứa 450 m2, có thể chứa 200- 300 tấn khoai mỗi năm. Đồng thời, trên địa bàn huyện Bình Tân và TX Bình Minh còn có hơn 40 điểm thu gom khoai lang để xuất khẩu đi các nước. Trong khâu chế biến khoai lang tại chỗ, hiện có Doanh nghiệp Nhật Thành là công ty kinh doanh tư nhân cung ứng sản phẩm khoai tươi, đồng thời chào bán các sản phẩm qua chế biến như: bột- tinh bột khoai lang, rượu khoai, bánh khoai,… Bên cạnh, UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư Cty TNHH Đông Phát FOOD (công suất trên 14.000 tấn/năm) chế biến khoai lang sấy để xuất khẩu. Ngoài ra, trong xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu của mình, “Dưa cải muối chua Tân Định” và “Khoai lang Bình Tân” là 2 sản phẩm được huyện đăng ký nhãn hiệu tập thể hàng hóa. Tại Hội chợ triển lãm do tỉnh, khu vực tổ chức gần đây, sản phẩm khoai lang sấy của Cơ sở bánh kẹo Hồng Phúc và dưa cải muối chua cơ sở Cường Thịnh được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; riêng mặt hàng khoai lang sấy của cơ sở Hồng Phúc còn được chọn là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực.

 Thời gian qua, cánh đồng mẫu lớn khoai lang là mô hình kiểu mẫu với diện tích hơn 30 ha tại xã Thành Đông. Nơi đây đã ứng dụng nhiều phương pháp canh tác cải tiến sản xuất khoai lang theo quy trình GlobalGAP,… sản phẩm từ mô hình mang lại luôn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và lợi nhuận luôn cao hơn bên ngoài mô hình từ 1,5- 2 lần do giảm lượng phân bón, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật và có nhiều sản phẩm khoai đạt tiêu chuẩn loại I.

 Năm 2018, huyện Bình Tân xuống giống gần 14.000ha khoai lang, tăng trên 2.100ha so với cùng kỳ. Năm 2019, dự kiến toàn huyện sẽ xuống giống 13.500ha, với năng suất 28 tấn/ha, sản lượng cả năm ước đạt 378.000 tấn. Trong các năm qua, do thị trường xuất khẩu ưa chuộng giống khoai lang tím Nhật vì vậy cơ cấu giống tập trung nhiều vào giống khoai này, chiếm 80% diện tích xuống giống, còn lại 20% phân bố cho các giống khoai địa phương khác như trắng giấy, trắng sữa, bí đường,… những giống này chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước. Nhằm duy trì và phát triển mạnh sản xuất khoai lang bền vững, trước mắt, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân làm đất kỹ sau mỗi kỳ thu hoạch- chỉ bón vôi theo liều lượng (không nên rải muối ăn) để diệt mầm bệnh; không trồng tập trung quá nhiều vào giống khoai tím Nhật (chiếm 70% là đủ), nên thực hiện rải giống, rải vụ, chọn dây giống tốt và khử khuẩn (giống) trước khi trồng… Về lâu dài, ngoài xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, ngành nông nghiệp huyện tích cực phối hợp với các viện, trường như: Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam,… tăng cường áp dụng các biện pháp phục tráng, chống thoái hóa giống khoai lang; khuyến cáo nông dân mạnh dạn đầu tư đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, thay đổi tập quán canh tác theo hướng mới, nhân rộng các mô hình VietGAP, GlobalGAP để hạ giá thành sản xuất, nâng chất lượng nông sản phù hợp với nhu cầu của thị trường trong ngoài nước.  

            Khoai lang Bình Tân với chất lượng tốt, diện tích và sản lượng lớn- tập trung, đủ để trở thành vùng nguyên liệu mạnh cho xuất khẩu và chế biến. Do vậy, ngoài đẩy mạnh công tác nghiên cứu phương pháp bảo quản, tồn trữ hàng hóa, huyện không ngừng xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp có năng lực mạnh dạn đầu tư tham gia chế biến sản phẩm từ khoai lang, giúp địa phương phát huy tối đa thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

                                        Bài, Ảnh: Công Phúc

                       (Trung tâm Văn hóa- Thông tin- Thể thao Bình Tân)

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng