Chuyện về một nông dân sản xuất giỏi khởi nghiệp từ 01 con heo giống
Thứ ba, 18/4/2023

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 11/04/2023
Ngày cập nhật: 16/4/2023

Với khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất cù lao, ông Dương Tấn Sĩ (51 tuổi, ấp Tân Lợi, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) đã khởi nghiệp thành công từ 01 con heo giống.

Ông Sĩ khởi nghiệp thành công với nghề nuôi heo.

*Khởi nghiệp từ 01 con heo giống

Dẫn chúng tôi đi xem trại heo khoảng 400 con của mình, ông Sĩ bồi hồi nhớ lại ký ức về những ngày tháng gian khó. Sau khi xuất ngũ bộ đội, cái nghèo, cái khổ cứ mãi đeo bám nên ông phải đến tận miệt Vĩnh Hưng của tỉnh Long An để làm thuê. Sau khi lập gia đình, ông Sĩ được cha mẹ cho hơn 01 công đất trồng dừa để ra riêng. Thu nhập từ miếng vườn nhỏ không đủ lo cho gia đình nên ông phải đi làm thuê quanh năm. Ban ngày, ông đi vét mương, ban đêm thì đi vác cát, đá thuê.

Vào thời điểm năm 2014, ông Sĩ đến vét mương thuê cho ông Mười Thanh (lúc bấy giờ là Bí thư Đảng ủy xã Tân Thới). Thấy ông Sĩ là người cần cù, ham học hỏi nên ông Mười Thanh đã bán lại 01 con heo giống với giá rẻ, cộng thêm "ưu đãi" là trả từ từ. Ông Sĩ mang con heo giống về nhà xây chuồng để nuôi, bắt đầu hành trình khởi nghiệp với nghề nuôi heo. Lứa đầu tiên, con heo giống này đẻ 9 con, ông Sĩ bán 04 con, để lại 05 con heo sinh sản để gầy giống. Từ 01 con heo giống ban đầu, đến năm 2015, đàn heo của ông Sĩ đã có khoảng 100 con các loại.

Với khát vọng vượt khó, năm 2015, ông Sĩ quyết định lấy thức ăn chăn nuôi về bán tại nhà cho các hộ chăn nuôi xung quanh và cũng giảm chi phí đầu vào cho việc nuôi heo. Ông Sĩ cho biết, thời điểm năm 2017, người nuôi heo điêu đứng khi heo hơi rớt giá thê thảm. Giá heo thịt chỉ còn khoảng 100.000 đồng/03 kg. Rất may, nhờ sự chủ động, nhạy bén, nắm bắt diễn biến thị trường nên năm đó ông không thua lỗ. "Lúc đó, tôi hỏi thăm, cập nhật liên tục tình hình giá cả heo nơi các thương lái. Từ đó, tôi quyết định kéo dài thời gian nuôi heo. Tôi neo lại khoảng 70 con heo đến 01 tạ rưỡi/con mới xuất chuồng. Khi giá heo hơi tăng trở lại, tôi bán ra và thu lợi nhuận. Từ đà này, việc chăn nuôi heo của gia đình tôi tiếp tục phát triển, có tiền mua đất để mở rộng chuồng trại" - ông Sĩ tâm sự.

Đặc biệt, trong năm 2019, dù dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi, nhưng đây là năm ông Sĩ thắng đậm. "Khi vừa xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tôi quyết định bán hết đàn heo của gia đình và thu lợi nhuận khoảng 02 tỷ đồng. Sau khi học hỏi được kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, các doanh nghiệp về chăn nuôi heo an toàn sinh học, tôi quyết định thu mua heo từ bên ngoài về trại để nuôi. Lúc đó, người nuôi heo rất hoang mang nên họ bán bao nhiêu thì tôi mua bấy nhiêu. Thời điểm đó, giá heo tăng cao, thương lái có nhu cầu thì tôi bán lại. Sau khi bán hết số lượng heo mua từ các hộ dân, tôi vệ sinh chuồng trại để tiếp tục nhập heo về nuôi. Tính trong giai đoạn đó, tôi lãi hơn 01 tỷ đồng" - ông Sĩ chia sẻ.

Sau khi có lợi nhuận lớn từ việc nuôi heo, Sĩ đã mua miếng đất mặt tiền Đường tỉnh 877B để đầu tư cửa hàng thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp khang trang, tạo thuận lợi trong việc mua bán.

*Sự sẻ chia

Ngoài việc vươn lên làm giàu từ nghề nuôi heo, ông Sĩ còn tích cực hỗ trợ các hộ nuôi heo trên địa bàn xã cùng nhau phát triển. Theo đó, ông Sĩ đầu tư kinh phí từ heo giống đến thức ăn cho người dân để chăn nuôi. Đến khi hộ dân xuất chuồng lứa heo, ông Sĩ sẽ thu hồi vốn lại. Nếu có lợi nhuận thì sẽ chia theo tỷ lệ thỏa thuận, đảm bảo lợi ích hài hòa. Lúc cao điểm, ông Sĩ đã đầu tư vốn cho khoảng 30 hộ dân trên địa bàn xã để nuôi heo.

Năm 2020, xã Tân Thới được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tân Thới, ông Sĩ đã tập hợp được các hộ dân chăn nuôi heo ở xã tham gia vào HTX. Để HTX hoạt động ổn định, hiệu quả, ông đã chủ động xây dựng liên kết từ đầu vào đến đầu ra. HTX bao tiêu đầu ra, giúp các thành viên an tâm sản xuất, gắn bó với HTX. Điều này giúp xã Tân Thới hoàn thành chỉ tiêu số 13 trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài việc chú trọng hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội luôn được ông Sĩ quan tâm và tích cực thực hiện. Bởi ông tâm niệm rằng, quá trình sản xuất phải luôn có sự chia sẻ cùng cộng đồng, xã hội. Theo đó, ông đã tích cực, đi đầu trong tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Với những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Sĩ đã khởi nghiệp thành công với nghề nuôi heo. Người nông dân "chân lắm, tay bùn" ngày nào giờ đây đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Ông Sĩ là nông dân tiêu của của huyện Tân Phú Đông và tỉnh trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, ông đã trao tặng nhiều Bằng khen, giấy khen với thành tích nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, huyện, xã nhiều năm liền và vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đó là sự ghi nhận xứng đáng về những nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu của ông Sĩ trong chặng đường khởi nghiệp.

http://www.vietlinh.vn/

 

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng