Nghị lực vượt khó của mái nhà “da cam”
Thứ hai, 19/8/2019

Huyện Trà Ôn hiện có trên 2.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, thì nhiều nạn nhân và gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam luôn nỗ lực hết mình để vượt qua nỗi đau, vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Tham gia chiến trường K, làm nhiệm vụ quốc tế năm 1977,  hơn 1 năm sau đó, anh Lê Quang Huệ, ngụ ấp Mỹ An, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn xuất ngũ trở về địa phương tham gia lực lượng du kích của xã. Không ruộng đất, phải làm thuê làm mướn, cuộc sống đã chật vật, khó khăn lại mắc nhiều căn bệnh do di chứng của chất độc da cam/dioxin. Rồi năm đứa con của anh lần lượt ra đời, cả năm đứa đều bị nhiễm chất độc da cam. Trong đó, đứa con gái út 29 tuổi mang di chứng chất độc da cam rõ rệt nhất, bị dị tật ở tay, chân, cộng thêm căn bệnh tim quái ác phải nhập viện mổ tim hết hai lần, khiến gia đình anh càng rơi vào túng quẫn. Tuy hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng anh và vợ con vẫn quyết tâm vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Sau thời gian cần cù lao động, dần dần vợ chồng anh tích góp mua được 05 công ruộng, đồng thời phát triển chăn nuôi bò. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình dần ổn định. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, gia đình còn thu nhập khoảng 20- 30 triệu đồng.

Anh Lê Quang Huệ-ấp Mỹ An-xã Tân Mỹ-huyện Trà Ôn tâm sự: “Đi chiến trường kampuchia về, sinh năm đứa con, thì hiện cũng như khổ cực lắm, nghèo khổ mà hai vợ chồng gáng phấn đấu để sau này cho nó khá giả để vượt lên nghị lực nuôi cho tụi nó, dạy khôn cho nó, để sau này nó sống với xã hội. Vấn đề là bây giờ kinh tế hơi ổn định, với do hai vợ chồng cũng phấn đấu mần quyết liệt, từng tuổi này cũng mầm dữ dội không có bỏ những giờ phút nào hết chơn để mần lo cho con cái sau này để cho nó cuộc sống nó bằng với xã hội người ta”.

Ở tuổi 35, Lê Lâm Phúc Hậu, con trai thứ tư của anh Lê Quang Huệ và chị Lâm Ngọc Hoàng, lẽ ra đã lập gia đình và có mái ấm hạnh phúc, nhưng kém may mắn khi em không được bình thường như bao nhiêu người khác, cùng với bốn chị em gái của mình đều bị thiểu năng trí tuệ, do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ người cha. Dù vậy, nhưng chị em Phúc Hậu vẫn rất ngoan, biết nghe lời và luôn cố gắng làm vui lòng cha mẹ, dù chỉ là những công việc nhỏ nhặt nhất.

Chị Lâm Ngọc Hoàng-mẹ em Lê Lâm Phúc Hậu-ấp Mỹ An-xã Tân Mỹ-huyện Trà Ôn chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 5 đứa con, trong đó 5 đứa đều bị nhiễm chất độc da cam hết. Trong đó thì có 02 đứa nặng nhất là không mầm gì được, còn lại 3 đứa thì nó cũng mần được chút đỉnh, cũng như thằng thứ tư này mình cũng dạy bảo cho nó nhưng mà nó cũng biết nghe lời, dạy bảo cho nó cắt cỏ đồ này kia nọ để nó nuôi bò thì nó cũng làm được, bắt chỉ dẫn mọi chuyện mình bắt cho nó để nó mần. Sau này thì cũng nhờ cộng đồng chung giúp đỡ lo lắng để cho chị em nó sau này cuộc sống được tốt hơn”.

Không chỉ thoát nghèo bằng nghị lực, gia đình anh Lê Quang Huệ còn có nhiều đóng góp cho công tác xã hội ở địa phương. Khi biết công trình đường giao thông nông thôn đi qua trước nhà sẽ thi công, vợ chồng anh vui mừng đăng ký sẵn sàng hiến đất khi địa phương cần và tích cực vận động bà con xóm ấp cùng góp phần thực hiện công tác này để cho con đường sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Chị Lâm Ngọc Hoàng-ấp MỹAn-xã Tân Mỹ-huyện Trà Ôn vui mừng nhớ lại: “Con đường này hồi đó là sình bùn dữ lắm, nhưng mà sau này nghe Nhà nước thông báo là con đường này sẽ được mở trải đá thì gia đình mình cũng mừng mà gia đình cũng như là tự hiến gần 1 công đất để cho Nhà nước làm, mình cũng vận động bà con cùng nhau để hiến đất để làm được con lộ cho bự và đường đi nó cũng dễ dàng hơn và giao thông cũng dễ luôn”.

Ông Đặng Văn Một, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Trà Ôn nhận xét: “Gia đình của anh Lê Quang Huệ, bản thân ảnh là bộ đội, hai nữa là ảnh về địa phương tích cực tham gia lực lượng vũ trang, ảnh là một gia đình tiêu biểu trong ấp Mỹ An; đồng thời hai vợ chồng phấn đấu để nuôi máy đứa cháu, từ chỗ khó mà vượt lên để ổn định. Bản thân ảnh cũng có cống hiến cho địa phương này một số đất để làm lộ, hai nữa ảnh cũng góp phần coi như ảnh là cán bộ tổ trưởng tổ Nhân dân của ấp Mỹ An đồng thời ảnh vận động bà con ở trong tổ mình để góp phần xây dựng nông thôn mới, có hướng vươn lên đồng thời gia đình ảnh ổn định vươn lên”.

Nỗi đau da cam/dioxin không chỉ là nỗi đau riêng của các nạn nhân, mà là nỗi đau chung của toàn nhân loại. Dù vậy nhiều nạn nhân, nhiều gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam vẫn đang cố gắng hết mình để vượt qua nỗi đau, vượt qua số phận để vươn lên sống có ích. Nghị lực vượt khó thoát nghèo của anh Lê Quang Huệ được các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân huyện Trà Ôn đánh giá cao và là một trong những tấm gương tiêu biểu về tinh thần chiến đấu không mệt mỏi trong thời bình, rất xứng đáng để biểu dương, nhân rộng./.

TRÚC MAI-TRUNG CHUẨN

Trung tâm VHTT và Thể thao huyện Trà Ôn

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng