Nông dân An Bình ứng dụng tiến bộ để phát triển sản xuất
Thứ sáu, 21/6/2019

           Trồng cây ăn trái là nghề cho thu nhập chính của nông dân xã cù lao An Bình, huyện Long Hồ. Trước đây, nhà vườn trồng chủ yếu theo kinh nghiệm. Nhưng hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, sự thuận lợi trong việc cập nhật thông tin, quan điểm canh tác của nhà vườn đã thay đổi. Việc thay đổi theo hướng tích cực. Bà con nhạy bén trong việc tiếp cận, tiếp thu các tiến bộ, rồi mạnh dạn đầu tư, ứng dụng.

          Tiến bộ ứng dụng đáng kể thứ nhất là về giống trồng. Loại cây ăn trái được trồng nhiều trên vùng đất này là nhãn. Khi dịch bệnh chổi rồng xảy ra gây hại các vườn nhãn Tiêu da bò, nông dân đã chuyển sang trồng giống khác. Các giống được tiêu thụ tốt, lại phù hợp điều kiện tự nhiên được chọn để xây dựng lại vườn là: nhãn Xuồng, nhãn Idor. Một số giống mới cũng được nông dân tìm hiểu, mua về trồng để khẳng định sự thích nghi, như: nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Mỹ. Nhãn long dù không mới nhưng với đặc tính dễ chăm sóc, ra trái tự nhiên, giá bán cũng chấp nhận được nên không ít người đã quan tâm chọn cây tốt nhất nhân giống trồng lại, hoặc đưa vào trồng xen. Một số vườn tuy lâu năm nhưng cây vẫn sinh trưởng tốt được giữ lại, đầu tư chăm sóc đúng mức để khai thác giá trị kinh tế của vườn.

            Song song với giống là kỹ thuật canh tác. Nhiều tiến bộ đã và đang được nông dân áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực. Việc tạo tán được quan tâm thực hiện rất tốt ngay từ khi cây còn nhỏ, nên đa số vườn mới cây có tán thấp, tàn đều. Đây sẽ là một trong những điều kiện thuận lợi để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khâu chăm sóc khác như: quản lý sâu bệnh hại, xử lý ra hoa, bao trái, thu hoạch,...

Cơ giới hóa trong khâu tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật được nông dân quan tâm đầu tư. Tùy điều kiện kinh tế mà hộ dân chọn loại ống nhựa mềm hay cứng. Vốn ít chọn loại ống mềm để lắp đặt hệ thống. Trung tâm Khuyến nông trong năm 2018 đã hỗ trợ kỹ thuật, vật liệu cho nông dân xây dựng 03 điểm trình diễn ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm trên cây ăn trái. Việc ứng dụng kỹ thuật này đã giúp nhà vườn giảm đáng kể công lao động. Ngoài tưới nước, nhiều người còn kết hợp hòa phân đưa vào hệ thống để cung cấp dinh dưỡng cho cây, kết hợp phun thuốc trừ sâu, bệnh hại. Xử lý cho cây ra hoa tốt, cho trái nghịch vụ đã là việc không khó của nông dân. Tùy loại cây, giống trồng, mùa làm bông mà áp dụng kỹ thuật phù hợp. Các vườn nhãn Idor nhiều năm tuổi vẫn được chủ vườn làm bông thành công. Vườn nhãn Xuồng đậu trái nhiều hơn.

Canh tác để trái cây có chất lượng tốt là hướng mà nông dân An Bình đang phấn đấu. Sản xuất theo qui trình VietGAP đã được bà con thực hiện. Điển hình là Tổ hợp tác sản xuất Nhãn xuồng cơm vàng An Bình đã được chứng nhận VietGAP.

Với vốn kinh nghiệm được tích lũy, cộng thêm với kiến thức mới được cập nhật, kỹ thuật tiến bộ được ứng dụng, việc sản xuất cây ăn trái tại vùng cù lao này ngày càng phát triển.    

            Kim Huệ                                             

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng