Phòng, tránh bão: Không chủ quan lơ là
Thứ hai, 26/10/2020

Vào trung tuần tháng 9/2020, bão số 5 (tên quốc tế là Nuol) đã gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung và hoàn lưu bão gián tiếp gây mưa to, gió mạnh ở tỉnh Vĩnh Long từ ngày 18-19/9. Đây là cơn bão mạnh đầu tiên của năm nay. Gần 15 năm qua, kể từ sau bão số 9 (năm 2006) xảy ra, Nam bộ không bị bão mạnh…Điều đó không có nhĩa là không thể xảy ra nữa, vì vậy chớ chủ quan lơ là, nhất là thời tiết Nam bộ nói chung và Vĩnh Long nói riêng đang trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa, bão...

Nhà cửa không kiên cố dễ bị hư hỏng khi gặp bão

Phân loại bão

Nếu phân cấp theo tốc độ gió thì trên thế giới hiện nay có hai thang phân cấp bão, là thang Beaufort và thang Saffir-Simpson. Thang Beaufort là do sĩ quan hải quân người Anh là Sir Francis Beaufort thiết kế từ năm 1805. Thang này gồm 17 cấp gió khác nhau, tương ứng với 17 cấp độ của bão; trong đó cấp thấp nhất là cấp 8 (tốc độ gió 62-74km/giờ), cấp mạnh nhất là cấp 17 (tốc độ gió 202-220 km/giờ). Hiện nay Việt nam dùng thang này.

Thang Saffir-Simpson được hai kỹ sư ở Trung tâm dự báo bão quốc gia Hoa Kỳ là Herbert Saffir và Bob Simpson thiết kế vào năm 1969. Thang này có 5 cấp độ tương ứng 5 cấp bão; trong đó cấp thấp nhất là cấp 1 có tốc độ gió từ 119-153 km/giờ, mạnh nhất là cấp 5 có vận tốc gió từ 250 km/giờ trở lên.

            Từ năm 2006 về trước, ngành khí tượng thủy văn nước ta chỉ dự báo bão đến cấp 12. Điều này có một phần lý do là các máy đo gió ở VN chỉ có thể đo đến sức gió ở cấp 12, nếu gió trên mức này thì máy không thể đo được. Nếu các cơn bão có sức gió trên cấp này thì được gọi chung là gió trên cấp 12. Riêng cơn bão số 9 (Xangsane) vào năm 2006, do gió quá mạnh nên lần đầu tiên ở VN đã dự báo mức gió cấp 13 và trên cấp 13. 

Cách gọi tên bão

Từ năm 1945-1978, các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương được đặt tên không chính thức theo tên của phụ nữ là tên vợ hoặc bạn gái của đoàn dự báo thời tiết của Lục và Hải quân Mỹ. Năm 1979, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan khí tượng Mỹ (NWS) lại thống nhất sử dụng tên bão gồm cả tên nữ và nam giới. Từ ngày 1/1/2000, bão nhiệt đới ở tây bắc Thái bình dương (trong đó có Việt Nam) được đặt theo một danh sách các tên mới theo đề xuất của các nước thành viên của WMO. Mỗi trong số 14 nước và vùng lãnh thổ là thành viên WMO ở khu vực cung cấp 10 cái tên, tạo thành dánh sách 140 tên bão. Việt nam đóng góp 10 tên mang tên các loài động vật quý hiếm và danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Saomai, Lekima, Bavi, Conson, Sonca, Trami, Halong, Vamco, Song da, Saola. Tuy nhiên những cơn bão đổ bộ vào vùng biển VN không được gọi theo tên quốc tế nữa mà gọi theo tên riêng của VN bằng cách đánh số thứ tự của cơn bão xuất hiện trong năm, vì rằng để giúp người dân dễ nhớ. Riêng bão ở khu vực ấn độ Dương không có tên.

Ở Việt Nam, tại Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, quy định: những xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật thì gọi là áp thấp nhiệt đới; còn những xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật thì gọi là bão. Bão từ cấp 10 đến cấp 11 là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão.  

* Những năm bão mạnh ảnh hưởng đến Vĩnh Long

Trong vòng 15 năm trở lại đây, năm 2006 là năm có nhiều cơn bão nhất với 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó có 9 cơn bão rất mạnh đổ bộ vào biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta với cấp gió mạnh trên cấp 12 (sức gió vùng tâm bão từ 118-133 km/giờ trở lên), đặc biệt là 3 cơn bão mạnh liên tiếp đổ bộ vào cuối năm đó: bão số 1 (bão Chan Chu), bão số 6 (Xangsane) vào tháng 9 tàn phá miền Trung, bão số 9 (Durian) vào tháng 12 tàn phá Nam Trung bộ và miền Tây nam bộ vào tháng 12.

Riêng cơn bão số 9 (Durian) đã để lại ấn tượng đáng sợ cho miền Tây Nam bộ. Tỉnh Vĩnh Long có 4 người chết, 68 người bị thương, 5.294 căn nhà bị sập, 16.277 căn nhà, phòng học, trạm y tế, trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng nặng, 73 ha hoa màu bị đè bẹp, 2.552 ha vườn cây ăn trái và 500 ha lúa Thu Đông bị ngã đổ hoàn toàn, 24 bè cá và 24 ghe, tàu bị chìm, 939 trụ điện, trụ điện thoại bị gãy, tổng thiệt hại ước tính thời đó là 94 tỉ đồng. Huyện Vũng Liêm có mức thiệt hại cao nhất 49,8 tỉ đồng, kế đến là Tam Bình: 14,2 tỉ đồng.

Trước đó 9 năm, liên tiếp 2 năm 1997 và 1998, bão mạnh (tức bão cấp 10 đến cấp 11, sức gió từ 89 đến 117 km/giờ) ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta. Bão số 5 (Linda) vào cuối năm 1997 làm chết 3 người, mất tích 13 người, 5.014 hộ cần cứu đói, 118 nhà bị đổ, 60.038 nhà bị hư hỏng, tốc mái 657 trường học, gây ngập 29.719 ha lúa đông Xuân (trong đó mất trắng 144 ha), 26.625 ha vườn cây ăn trái và 1.830 ha ao hồ nuôi thủy sản (mất khoảng 307 tấn tôm, cá), thiệt hại lên đến 103,865 tỉ đồng.

 Bão số 7 (vào tháng 12/1998) gây ngập úng 23.000 ha lúa Thu Đông (có 8.600 ha bị mất trắng) và 12.100 ha vườn cây ăn trái, gây tràn và sạt lở trên 100km đê bao, cống đập thuỷ lợi...thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Trong các năm sau từ năm 2007 đến nay, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến Vĩnh Long nhưng số cơn bão vẫn còn xuất hiện nhiều trên biển Đông.

* Ứng phó với bão: Phòng là chính

Hiện nay, do công nghệ viễn thám phát triển mạnh mẽ, Việt nam đã tự làm chủ công nghệ, kỹ thuật dự báo nên thông tin về diễn biến bão, đặc biệt là dự báo bão từ xa đã nhanh chóng chuyển tải đến khắp cả nước.

Ở tỉnh Vĩnh Long, trong những năm qua, công tác phòng, chống-giảm nhẹ thiên tai nói chung đã có những chuyển biến tích cựcoõ Văn Sê Viện c hậu quả lũ...5 năm = 1, 5 tỷ đồngền ước trên 1 tỷ đồng cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ hỉ đạo khắc phục và. Tuy nhiên trong phòng, chống bão, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm nhiều như các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Do địa hình bằng phẳng, cơ sở hạ tầng cho phòng, chống bão còn lạc hậu (phần lớn công trình, nhà xưởng chưa lồng ghép yếu tố chống đở gió mạnh, bão; nhiều nhà cửa của dân còn tạm bợ hoặc bán kiên cố...), tỉnh còn thiếu phương tiện chuyên dùng và lực lượng chuyên môn cho công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do bão…

Vì vậy nếu bão mạnh như bão số 9 (năm 2006) ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta thì thiệt hại về nhà cửa, công trình, nhà xưởng sẽ rất lớn, kế đến là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp-thủy sản do mưa gây ngập úng.

Do chưa ở thế chủ động trong ứng phó với bão, nên giải pháp hiện thực nhất để giảm thiệt hại do bão gây ra hiện nay là « phòng, tránh » bão là chính. Thực tế cho thấy, việc dự báo chính xác hướng di chuyển, cấp bão, phạm vi ảnh hưởng và thông tin nhanh chóng, rộng rãi tin bão đến toàn dân cùng với việc chuẩn bị, tổ chức tốt việc phòng, tránh như chằng, chóng nhà cửa, công trình, kho tàn, bến bãi, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú an toàn, tổ chức phương tiện để sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm ở các địa phương sẽ giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

Trong xây dựng nhà cửa, công trình, nhà xưởng phải lồng ghép tiêu chuẩn về phòng, chống gió mạnh, lốc xoáy, bão. Mái lợp phải được neo giằng chắc chắn. Những hộ không có điều kiện xây nhà mới, nhà kiên cố thì cần xây dựng các thùng, hầm bằng bê tông (còn gọi là cản sê) để tạo nơi ẩn nấp, đảm bảo an toàn khi có bão mạnh...

Và điều quan trọng nữa là cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, của mọi người chung tay cùng chính quyền, ngành chức năng trong phòng, chống thiên tai, phòng tránh bão.

So với các loại thiên tai khác đã từng xảy ra trong nước, trong tỉnh, bão có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn, gây thiệt hại nhiều hơn (kể cả nhân mạng). Bão có thể làm tổn thất đáng kể hoặc triệt tiêu thành quả phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng; làm mất mát tài sản, nhân mạng của hộ gia đình đã dày công xây dựng trong nhiều năm. Xu thế bão khó lường, phức tạp, đặc biệt là trong bỗi cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng. Vì vậy công tác phòng, tránh báo phải được mọi người, các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm thực hiện, không chủ quan lơ là./.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng