Bình Tân- nỗ lực hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới (NTM) vào năm 2022
Thứ hai, 18/1/2021

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững với sự nỗ lực không ngừng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay, huyện Bình Tân có 23.458 hộ đạt văn hóa, chiếm 91,86%; 70/70 ấp, khóm đạt văn hóa, có 7/9 xã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt Nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt từ 13 tiêu chí trở lên, thị trấn Tân Qưới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận vào ngày 10/1/2020. 

Nông dân Bình Tân thu hoạch khoai lang trên đồng

Trở về thăm các xã NTM hay NTM nâng cao của huyện trong những ngày đầu Xuân mới, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là bộ mặt nông thôn và chất lượng cuộc sống người dân nơi đây đã nâng lên rõ nét nhờ hệ thống hạ tầng được đầu tư hoàn thiện. Nhiều tuyến đường được láng nhựa và dọc theo các tuyến đường là những căn nhà tường khang trang, hàng rào xây mới, người dân còn trồng hoa, cây cảnh trước nhà để làm đẹp cảnh quan. Điều này cho thấy, chất lượng cuộc sống người dân đã nâng lên một bước, nhờ vậy người dân có điều kiện xây cất và chỉnh trang nhà cửa cũng như chăm chút cảnh quan trước nhà. Theo ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, qua chương trình xây dựng NTM, các công trình giao thông được đầu tư đồng bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ tốt cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều mô hình sản xuất được đầu tư rộng rãi; trường học được đầu tư đạt chuẩn, trang thiết bị phục vụ tốt cho việc đầu tư dạy học; trạm y tế được đầu tư phục vụ tốt cho việc khám chữa bệnh người dân; công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, đời sống người dân được cải thiện… 

Từ đó mới thấy, nhờ phong trào xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ở nông thôn được đầu tư và phát huy hiệu quả, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, tạo ra một diện mạo mới ở nông thôn, làm cho đời sống nông dân từng bước được nâng lên rõ rệt; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập nhân dân, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của huyện đạt 49 triệu đồng/người/năm; riêng các xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm ổn định qua từng năm từ 0,5- 1% theo Nghị quyết.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững của địa phương cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: nguồn lực của huyện còn hạn chế trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, do đó một số công trình chưa chủ động trong việc triển khai thực hiện còn phải trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên; hạ tầng kinh tế xã hội của huyện còn nhỏ lẻ- nhất là hạ tầng công nghiệp và hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất, đặc biệt là khô hạn, lũ dâng cao; giá cả các mặt hàng nông sản biến động liên tục ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn hạn chế; sự liên kết “4 nhà” còn lỏng lẻo, chưa có tiếng nói chung tiêu chuẩn VietGAP để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường. Tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ô nghiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải có giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại phát triển chậm…

Từ những khó khăn vừa nêu, mục tiêu hướng đến trong năm 2021 của huyện là 100% xã đạt chuẩn NTM, góp phần xây dựng huyện Bình Tân đạt chuẩn NTM vào năm 2022 theo lộ trình của Tỉnh, Huyện ủy, lãnh đạo huyện xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Để tháo gở khó khăn này, huyện tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong lãnh- chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình NTM. Huy động mọi nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm từ ngân sách Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội. Cùng với đó, sẽ lấy phát triển sản xuất nông nghiệp làm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trước mắt, các ngành, các cấp- nhất là ngành nông nghiệp- thực hiện tốt Đề án 03 của Tỉnh ủy. Tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và phương thức canh tác theo hướng chuyên canh và luân canh lúa- màu; triển khai các đề tài khoa học cấp huyện được duyệt và đánh giá cao vào ứng dụng cho các xã; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả sau khi các viện, trường triển khai. Mặt khác, tăng cường vận động khuyến khích con em, học sinh có điều kiện ra nước ngoài lao động học hỏi kinh nghiệm về áp dụng tại địa phương; khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể hình thành các CLB sản xuất- kinh doanh giỏi; củng cố phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, tư vấn người dân sản xuất theo hướng an toàn và có chính sách về giá để bà con an tâm sản xuất.

 Bài, Ảnh: Công Phúc

(Đài Truyền thanh Bình Tân)

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng