Kinh nghiệm từ mô hình xây dựng nông thôn mới vùng ven đô thị của thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long
Thứ năm, 3/10/2019

Thị xã Bình Minh, là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Thị xã Bình Minh được thành lập theo Nghị quyết số 89/NQ-CP, ngày 28/12/2012 của Chính phủ với 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 03 phường và 05 xã. Thị xã Bình Minh có vị trí chiến lược, là cửa ngõ của tỉnh Vĩnh Long với các tỉnh phía Nam sông Hậu và nằm kề thành phố Cần Thơ, thuận lợi giao thông thủy bộ lẫn đường hàng không. Có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp.

Song song với đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nâng thị xã Bình Minh lên đô thị loại III vào năm 2020 trong thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền thị xã cũng ra sức tập trung đầu tư, phát triển vùng ven của thị xã Bình Minh để thích ứng với quá trình đô thị hóa, cụ thể là thông qua triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tập trung thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đô thị cho các vùng ven thị xã.

Theo đó, trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: thị xã Bình Minh được tỉnh đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bình Minh với quy mô 134,82 ha tại xã Mỹ Hòa. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 26 dự án (trong đó: có 18 dự án đang sản xuất kinh doanh, 03 dự án đang xây dựng cơ bản) với tổng vốn đầu tư thực hiện 471,13/809,98 tỷ đồng, đạt 58,16% và 91,44/151,09 triệu USD, đạt 60,52%... Thông qua đó, các dự án trên đã giải quyết trên 2.500 lao động cho người dân của các xã. Đồng thời, hiện nay thị xã cũng đang kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào khu công nghiệp Đông Bình tại xã Đông Bình với quy mô 350 ha, cụm công nghiệp Thuận An tại xã Thuận An với quy mô 79 ha.

Về tiểu thủ công nghiệp: tiếp tục được duy trì và có bước phát triển. Nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp được sản xuất tại các vùng ven thị xã được người tiêu dùng, thị trường trong và ngoài tỉnh tín nhiệm cao như làng nghề truyền thống tàu hủ ky xã Mỹ Hòa với 34 cơ sở sản xuất, giải quyết cho trên 170 lao động thường xuyên, sản lượng hàng năm trên 306 tấn; làng nghề làm nhang, cốm dẹp của đồng bào dân tộc Khmer ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình; sản xuất nước chấm, nước mắm tiếp tục được mở rộng về quy mô.

Trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp đô thị các vùng ven: việc tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với tình hình đất nông nghiệp các vùng ven ngày càng giảm, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị được hình thành trên địa bàn tương ứng với quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng. Cụ thể, đã hình thành làng nghề chuyên ươm, cung ứng cây giống hoa màu của nông dân xã Đông Thành, Đông Thạnh, Đông Thuận với 24 hộ tham gia sản xuất. Cây giống của làng nghề được cung ứng rộng rãi cho nông dân trong và ngoài tỉnh; mô hình sản xuất hoa, cây cảnh, bonsai của nông dân xã Đông Thành, Đông Bình, cung ứng cho thành phố Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành khác. Đồng thời, nhiều mô hình về sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ cho yêu cầu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tăng chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản hàng hoá trên địa bàn thị xã như đưa vào sản xuất các giống lúa chất lượng cao OM 5451, OM 4900, OM 6976, vịt siêu thịt, gà lông màu... Triển khai xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn 350 ha trong sản xuất lúa áp dụng quy trình ”3 giảm - 3 tăng”, kỹ thuật ”1 phải - 5 giảm”, ứng dụng cơ giới hóa trong làm đất và thu hoạch; sản xuất rau màu an toàn trong nhà lưới; mô hình trồng nấm rơm trong nhà; mô hình tưới phun trên rau màu, bưởi 5 roi; mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa, cây ăn trái; mô hình sản xuất bưởi 5 roi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, sản xuất xà lách xoong an toàn theo VietGAP... Đối với chăn nuôi, do địa bàn là các vùng ven đô nên chăn nuôi được thị xã định hướng là phát triển theo hướng bảo vệ môi trường gắn với an toàn sinh học. Theo hướng đó, đã triển khai hỗ trợ xây dựng trên 100 công trình khí sinh học biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Việc ứng dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi được ứng dụng rộng rãi nhằm tăng hiệu quả hấp thu dinh dưỡng, tạo sức đề kháng cho vật nuôi; nhiều mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cũng được triển khai thực hiện trên địa bàn…

Đối với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện tại trên địa bàn thị xã có trên 2.000 ha trồng trọt ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới tự động, trong đó có 2.050 ha ứng dụng cho trồng cây ăn trái, trong đó có gần 150 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (bưởi 5 roi), 150 ha ứng dụng trồng màu (xà lách xoong, rau diếp cá), thu nhập bình quân của nông dân trên 400 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, tại các xã vùng ven cũng đã bước đầu hình thành trên 15 mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ trồng trên giá thể không cần đất kết hợp tưới nhỏ giọt của Israel, 12 mô hình nuôi lươn không bùn…

Bên cạnh những mặt đạt được, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các địa bàn vùng ven của thị xã cũng tồn tại những hạn chế, khó khăn như: giá cả nông sản trên thị trường bấp bênh, giá vật tư nông nghiệp có chiều hướng tăng cao, thu nhập nông dân không ổn định; tính cạnh tranh của một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp về mẩu mã, bao bì, giá cả bị giảm, thị phần thu hẹp; lao động nông nghiệp ngày càng bị thiếu; nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao có giá trị đầu tư lớn, vượt quá khả năng đầu tư của nông dân.

Qua triển khai mô hình xây dựng nông thôn mới vùng ven đô thị của thị xã Bình Minh, địa phương đã đúc kết một số kinh nghiệm như sau:

Một là, trên lĩnh vực nông nghiệp, phải phát huy những thế mạnh hiện có của vùng, phù hợp với tập quán sản xuất, văn hóa bản địa và khả năng tiếp cận, đầu tư của người dân. Có cơ chế đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực sơ chế, chế biến nâng cao giá trị các nông sản chủ lực trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động thương mại, dịch vụ trong nông thôn để tăng thu nhập cho người dân.

Hai là, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Với quan điểm “ly nông nhưng không ly hương”. Muốn làm tốt công tác này phải có bước chuẩn bị trước từ khâu dự báo, rà soát cơ cấu lao động, trình độ, chuyên môn để thực hiện tốt bước tiếp theo là đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Tránh tình trạng kêu gọi đầu tư nhưng không có đủ lao động có tay nghề để tham gia.

Ba là, chủ động, phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư dự án tại các khu công nghiệp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn cho lực lượng công chức, giảm thiểu thủ tục, thời gian trong việc cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp.

Thanh Loan

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng