Hiệu quả mô hình nuôi ong mật trong vườn cây ăn trái
Thứ sáu, 31/3/2023

Cải thiện nguồn thu nhập trên cùng diện tích canh tác, đồng thời giúp cây trồng nâng cao năng suất nên mô hình nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn trái đang mở ra hướng đi mới cho người dân xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy.

Mô hình nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn trái của chị Toàn đang mang lại hiệu quả tích cực.

Đến ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, hỏi thăm nhà chị Nguyễn Kim Toàn chắc không ai còn xa lạ. Bởi, ngoài việc trồng cây chôm chôm và chanh không hạt cho hiệu quả kinh tế cao thì chị đang là hộ tiên phong của địa phương trong việc tạo ra sản phẩm mới trên chính mảnh vườn rộng 1,6ha của gia đình, đó chính là mô hình nuôi ong lấy mật.

Chị Toàn bộc bạch: “Nhận thấy quê hương mình có nhiều vườn cây ăn trái ra hoa quanh năm nên thiết nghĩ ngoài cung ứng trái cây cho thị trường thì mình có thể tạo ra sản phẩm khác để tăng thêm nguồn thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Do đó, sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu trên mạng đã thấy được mô hình nuôi ong lấy mật của người dân cùng chung tỉnh là ở huyện Long Mỹ cho hiệu quả kinh tế cao nên mạnh dạn liên hệ trao đổi kinh nghiệm, học tập cách nuôi, sau đó đã tiến hành thực hiện tại vườn cây ăn trái của gia đình mình”.

Chị Toàn bắt đầu thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật từ cuối năm 2022, với 10 thùng ong khởi nghiệp ban đầu để vừa nuôi, vừa học tập kinh nghiệm. Đến nay, số lượng thùng ong tại vườn chôm chôm, chanh không hạt của chị đã nhân lên 18 thùng. Theo chia sẻ của chị Toàn thì việc nuôi ong trong vườn cây ăn trái cũng không quá khó. Cụ thể là khi nhận thùng ong giống về thì mình lựa chọn vị trí thích hợp trong vườn cây ăn trái để đặt thùng ong. Ong sẽ tự bay đi kiếm ăn và hút mật xung quanh vườn cây ăn trái của gia đình cũng như vườn của những hộ lân cận, sau đó sẽ bay trở lại thùng ong để tạo ra mật. Trong quá trình đi hút mật hoa thì ong còn làm công việc thụ phấn cho hoa nên giúp cây đậu trái nhiều và kích cỡ cũng đồng đều, từ đó nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt lưu ý là vào thời gian nhà vườn phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây ăn trái thì phải nhốt ong lại trong thùng để không bị giảm số lượng đàn. Bởi khi ong tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị chết. 

Nếu vào đợt cây ăn trái nào nở hoa nhiều thì thường 7-10 ngày chị Toàn sẽ tiến hành lấy mật ong một đợt, trường hợp ít hoa thì thời gian lấy mật rơi vào khoảng 15 ngày. Bình quân một thùng ong có thể thu hoạch được 4 lít mật/lần lấy. Giá bán hiện tại là 500.000 đồng/lít nếu khách hàng mua lẻ, còn bỏ sỉ (số lượng nhiều) thì giá 400.000 đồng/lít. Qua đây, giúp gia đình chị Toàn có thêm nguồn thu nhập đáng kể hàng tháng, riêng về nguồn thu từ cây ăn trái cũng đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Chị Toàn thông tin thêm: “Sau thời gian quảng bá, giới thiệu trên mạng xã hội, đồng thời kết hợp giới thiệu qua người quen nên sau khi dùng được một lần thì hiện nhu cầu khách hàng đặt mua mật ong thiên nhiên từ vườn cây ăn trái rất nhiều. Cụ thể là số lượng thu hoạch mật ong mỗi lần đều được tiêu thụ hết trong vòng vài ngày. Theo nhận định của khách hàng thì mật ong từ hoa cây ăn trái có hương vị thơm ngon, ngọt thanh, màu vàng óng trông rất đẹp mắt”.

Để nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm và tạo thương hiệu cho quê hương nên tới đây, chị Toàn sẽ tiến hành đăng ký thực hiện sản phẩm OCOP cho mật ong của mình. Bên cạnh đó, chị còn dự định thành lập hợp tác xã để vận động nhà vườn có chung niềm đam mê nuôi ong mật cùng tham gia vào. Qua đây, không ngừng nâng cao sản lượng mật ong thiên nhiên từ hoa cây ăn trái để cung ứng cho thị trường, đồng thời giúp bà con tạo thêm nguồn thu nhập trên cùng diện tích canh tác và mang lại hiệu quả cao về sản lượng trái cây nhờ có ong đi thụ phấn giùm.   

Với việc tiên phong trong thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn trái ở địa phương, đồng thời thực hiện gắn hệ thống tưới nước tự động cho toàn bộ vườn cây ăn trái của gia đình từ nguồn điện năng lượng mặt trời đã 3 năm qua, chị Toàn đã đóng góp tích cực giúp xã Đại Thành đạt tiêu chí số 2 về mô hình ấp thông minh trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Lê Hùng Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, cho biết: Thời gian qua, địa phương luôn đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động và được đông đảo người dân trong xã ủng hộ thực hiện mô hình vườn mẫu gắn với liên kết chuỗi trong sản xuất và kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao hiệu quả canh tác. Qua đánh giá sơ bộ của ngành chức năng địa phương thì hiện toàn xã có hơn 100 vườn cây ăn trái của bà con đạt chuẩn vườn mẫu theo quy định, trong đó nổi bật là mô hình kinh tế của gia đình chị Toàn. Phát huy kết quả đạt được, tới đây địa phương tiếp tục nhân rộng cách làm trên để vừa mở hướng đi mới trong sản xuất mang tính bền vững và vừa nâng cao giá trị sản phẩm, nguồn thu nhập cho người dân trên cùng diện tích canh tác; trong đó trọng tâm là tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu OCOP.

https://www.baohaugiang.com.vn

 

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng