Tam Bình: chủ động phòng trừ hình dịch hại lúa Đông xuân 2018 - 2019
Thứ năm, 29/11/2018

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Bình vừa ban hành thông báo về tình hình dịch hại lúa Đông xuân 2018-2019 để UBND các xã, thị trấn thông báo nông dân chủ động phòng trừ. Theo đó, vụ Đông xuân 2018-2019: xuống giống 12.111 ha, đạt 82% KH. Cây lúa đang ở giai đoạn mạ 11.176 ha (xuống giống 14-19/11 (ngày 8-13/10 âl), đẻ nhánh 807 ha, đòng trổ 128 ha.

            Do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, cộng với triều cường dâng cao nên xuống giống vụ Đông xuân từ ngày 14-19/11 (ngày 8-13/10 âl) có thể ảnh hưởng đến xuống giống và một số dịch hại phát triển ở đầu vụ như Ốc bươu vàng, ngộ độc hữu cơ, bệnh thối bẹ.

            1. Ốc bươu vàng:

            Hiện nay, trên các  ruộng đang chuẩn bị xuống giống ốc bươu vàng  xuất hiện gây hại, chúng ăn mầm lúa, lá non làm cho lúa chết phải tốn công tỉa dặm.

Ảnh: cần thu gom, xử lý ổ trứng ốc bươu vàng

* Biện pháp phòng trừ:

- Thường xuyên bắt ốc và thu gom ổ trứng tiêu hủy. Cần thực hiện thường xuyên và đồng loạt khắp các ruộng.

- Đặt, cắm nhiều cọc dọc theo bờ ruộng nơi có nước để thu các ổ trứng.

- Đặt các lưới chắn ở kênh, mương dẫn nước vào ruộng, không cho ốc bươu vàng theo nước vào ruộng.

- Thả vịt vào ruộng nước khi cấy hoặc sau khi thu hoạch để vịt ăn ốc non.

- Đào rãnh xung quanh ruộng để ốc tập trung trong rãnh có nước rồi bắt.

- Có thể dùng thuốc gốc Metaldehyde để trừ ốc bươu vàng như: Bolis 12GB, Toxbait 120 AB, Anhead 12GR (6GR)…. .

- Chú ý: sau khi làm đất tiến hành rãi thuốc rồi mới rãi giống hoặc có thể phun thuốc trừ ốc.

2. Ngộ độc hữu cơ:

Triệu chứng: Đầu tiên phải quan sát đất, nếu nghi ngờ ruộng bị ngộ độc hữu cơ thì nhổ cây lúa lên nhìn rễ nếu thấy toàn bộ rễ đen bên ngoài  khi vuốt còn phần lỏi màu trắng bên trong. Rễ bị tổn thương, rễ không lấy được dinh dưỡng dẫn đến triệu chứng thiếu đạm (vàng cả lá), thiếu kali (cháy khô mép lá và xoắn lại), sau đó ngửi có mùi bùn rất đậm mùi đó là chất H2S chứa lưu huỳnh và rất độc với rễ.

Ảnh: làm đất kỹ để tạo điều kiện thuận lợi cây lúa phát triển tốt

* Biện pháp khắc phục ngộ độc hữu cơ:

Để khắc phục và hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ cần áp dụng một số giải pháp tổng hợp sau:

- Tranh thủ thu gom rơm rạ ra khỏi ruộng, xới đất sớm ngay sau thu hoạch để vùi gốc rạ còn lại vào đất. Cho nước vào ngập ruộng và cho ra vô tự nhiên nhằm mục đích thải hết độc chất ra khỏi ruộng.

- Phải đánh rãnh để nước rút càng nhanh càng tốt, vì khi  rút nước bỏ thì đã xả hết độc chất ra khỏi ruộng.

- Sau khi xả hết những độc chất này thì phải tái tạo lại bộ rễ cây lúa cho tốt. Bón 20kg vôi để trung hòa acid vì ngộ độc hữu cơ là sản sinh ra những acid hữu cơ tạo độ chua cho đất, đồng thời bón vôi còn cung cấp thêm canxi cho đất. Khi kiểm tra thấy cây lúa ra rễ mới (rễ trắng) và lá mới tiến hành phun phân bón qua lá (loại kích thích ra rễ cho cây lúa), khi cây lúa phát triển bình thường mới tiến hành bón thúc và chăm sóc bình thường.

3. Bệnh thối bẹ:

* Tác nhân gây bệnh thối bẹ, thối thân, thối gốc, thối rễ: Bệnh thối thân lúa do vi khuẩn Erwinia sp gây ra

* Đặc điểm phát sinh, phát triển và lây lan bệnh:

- Bệnh gây hại trên lúa vụ Hè thu nhiều hơn vụ Đông xuân do thời tiết ẩm ướt, nhiều sương mù, độ ẩm không khí cao.

- Sự xâm nhập và lan truyền bệnh: Vi khuẩn lưu tồn sẳn trong đất, nước, xâm nhập qua vết thương, làm nghẽn mạch, gây héo. Bệnh lan truyền rất nhanh, trường hợp thiệt hại nhẹ thì lúa chết từng chòm, trường hợp nặng có thể cả ruộng lúa chết rụi.

- Bệnh thối thân có thể bộc phát thành dịch và gây hại nghiêm trọng nếu ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ, bị phèn, mặn, nhiễm rầy nâu hoặc bệnh đạo ôn. 

* Biện pháp phòng trừ bệnh:

- Bón phân cân đối không bón dư thừa phân đạm.

- Khi thấy có vài cây mới bị bệnh (cây héo, lá còn xanh, nhổ lên thì đứt gốc và có mùi thối) phải tháo nước trong ruộng ra càng sớm càng tốt sau đó rải vôi bột (20-25kg vôi/1.000 m2). Trường hợp ruộng lúa bị bệnh thối thân nặng thì bà con có thể kết hợp phun thuốc trị vi khuẩn và rải vôi, cách thực hiện như sau:

- Rải vôi: Sử dụng vôi đá (CaO), liều lượng 20-25kg rải cho 1.000 m2, để dễ thực hiện bà con có thể phun nước vừa đủ để vôi hút ẩm hoặc trộn vôi bột với trấu ướt, mụn xơ dừa trước khi rải.

- Sau khi xử lý khoảng 3 ngày, kiểm tra nếu thấy rễ lúa ra trắng và lúa phát triển trở lại thì bắt đầu bón phân và chăm sóc lúa bình thường.

- Ngoài ra bà con cũng có thể sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ vi khuẩn như: Anti-Xo 200WP + Kasumin 2L, Xantocin 40WP, Starner 20WP, Lobo 8WP, Avalon 8WP, …

Lưu ý: Khi lúa bị bệnh phải ngưng ngay việc bón phân đạm, tuyệt đối không kết hợp phun phân bón lá khi phun thuốc trừ bệnh. Chỉ bón phân sau khi đã xử lý tốt bệnh, quan sát thấy vết bệnh đã khô hoàn toàn và lúa ra rễ trắng./.

Tin, ảnh: P.S

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng