GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
Thứ ba, 8/11/2022

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025. Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, chủ trì hội nghị, bên cạnh đó còn có các lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương có liên quan; Đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và các Sở, ngành tỉnh có liên quan.

Tại Hội nghị, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã thông qua báo cáo tổng kết, kết quả thực hiện Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2021 với các thành tựu nổi bật tại các địa phương triển khai Chương trình như sau:

- Thứ nhất, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi: đã giới thiệu chuyển giao vào sản xuất 137 quy trình và giải pháp công nghệ; 1.735 công trình kỹ thuật, máy móc, thiết bị, cải thiện rõ rệt năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; nâng cao hiệu quả kinh tế: tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu; 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập trên 25%; nâng cao giá trị sản xuất đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm. Công nghệ thủy lợi đóng góp 35-40%; giống mới đóng góp 25-30%; phân bón và các biện pháp kỹ thuật khác đóng góp 25-30% vào tổng năng suất tăng thêm trong trồng trọt; một số giống cho năng suất và chất lượng tốt cũng đã được đưa vào sử dụng. Các giống lợn lai có khả năng thích nghi với điều kiện địa phương, cho năng suất, chất lượng cao. Một số giống bò thịt lai ½ hoặc ¾ máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi bò. Ứng dụng rộng rãi các giống gà thả vườn gà đồi, nuôi vịt siêu trứng, vịt siêu thịt, ngan pháp…

- Thứ hai, tái cơ cấu sản xuất, thu nhập của người dân: đã chuyển đổi trên 500.000 ha lúa sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây thức ăn chăn nuôi; xây dựng 579,3 nghìn ha cánh đồng lớn; các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung thâm canh cao; hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung công nghệ cao. Giá trị sản xuất năm 2020 đạt 101,5 triệu đồng/ha, tăng 25,8 triệu đồng so với năm 2013 và tăng 57,6 triệu đồng so với năm 2008.

- Thứ ba, thay đổi các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất: đã đề xuất các giải pháp đồng bộ để phát triển các chuỗi giá trị phục vụ kiểm soát và tạo ra các mặt hàng nông sản chất lượng cao, an toàn; đề xuất các giải pháp và xây dựng mô hình liên kết hợp tác tự nguyện của nông dân với doanh nghiệp và HTX theo chuỗi giá trị; đề xuất các giải pháp kỹ thuật thiết kế cánh đồng lớn.

- Thứ tư, tiếp nhận, nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ: thông qua Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM, năng lực tiếp nhận, duy trì và nhân rộng các quy trình, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật tiếp tục được củng cố: tái sử dụng phế phụ phẩm (rơm) trên 80% diện tích được thu gom, tăng thu nhập thêm từ 500.000 - 800.000 đồng/ha; ứng dụng cơ giới hóa trên 100% diện tích làm đất, thu hoạch, tưới nước trồng lúa; 60% diện tích cấy lúa được cơ giới hóa; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên 19,9% diện tích cây ăn trái; 63,2% diện tích rau màu…

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững cần chú ý thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

- Phải bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII và các Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng của Bộ Chính trị… theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo hướng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.

- Xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của địa phương trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ; các dự án kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên tái tạo; thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương.

- Chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và tính lan tỏa cao trong thực tiễn; phù hợp để phát triển và nhân rộng; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường…

- Ưu tiên thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao năng lực và tổ chức hoạt động hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội; an ninh quốc phòng; ứng dụng công nghệ số; môi trường nông thôn.

- Huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để thực hiện các đề tài, dự án nhằm tăng cường hợp tác, huy động sự tham gia của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa./.

Công Khánh – Văn phòng Điều phối CTXDNTM tỉnh Vĩnh Long

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng