DỰ BÁO SÂU BỆNH HẠI LÚA
Thứ ba, 8/11/2022

- Tình hình thời tiết mưa lớn, kết hợp với triều cường lên cao. Lúa Thu Đông 2022thu hoạch phải nhanh gọn tránh thất thoát bằng cách như: phơi sấy, thu hoạch bằng máy. Bên cạnh, đối với những nơi có khả năng ngập lũ cần tiến hành thu hoạch lúa Thu Đông sớm hơn nhằm giảm bớt thiệt hại do lũ gây ra.

- Theo dõi diễn biến rầy vào đèn để xuống giống lúa Đông Xuân 2022-2023 tập trung “né rầy” hiệu quả và chú ý xuống giống đồng loạt theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp, cách ly tối thiểu 2 tuần sau khi thu hoạch lúa Thu Đông để hạn chế ngộ độc hữu cơ.

- Quản lý tốt cỏ dại, lúa cỏ; bón phân cân đối, tăng cường phân lân và kali ngay từ đầu vụ, giúp lúa khỏe, cứng cây, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.

1. Về sâu hại: ở thời điểm này, trên đồng lúa Thu Đông sâu hại giảm dần và mật số gây hại thấp do lúa đã thu hoạch khoảng 50% so diện tích xuống giống, diện tích còn lại giai đoạn chắc xanh chín. Riêng trà lúa Đông Xuân sớm 2022-2023, sâu hại phát triển theo chiều hướng tăng dần về mật độ và diện tích nhiễm. Một số loài sâu hại có khả năng gây hại như: rầy nâu (nhất là rầy nâu di trú), sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng,…cần phát hiện sớm và phòng trị kịp thời.

* Rầy Nâu: trên lúa Thu Đông diện tích nhiễm và mật số không đáng kể. Hiện tại, ngoài đồng trà lúa Đông Xuân đã xuất hiện rải rác rầy di trú trên diện tích lúa đã xuống giống giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Dự báo từ ngày 22- 31/10/2022 sẽ có đợt rầy di trú do lúa Thu Đông các tỉnh lân cận đang thu hoạch rộ, với mật số khá cao và không đồng đều ở các khu vực, ảnh hưởng lên những diện tích lúa Đông Xuân xuống giống sớm đang giai đoạn mạ và đẻ nhánh.

- Biện pháp quản lý: cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu trong ruộng lúa để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời khi mật số tăng cao, tránh phun thuốc tràn lan và định kỳ. Đối với trà lúa mới xuống giống nếu có rầy nâu di trú cho nước vào ruộng ngập từ 3-5 cm, sau đó tháo nước ra chăm sóc lúa bình thường.

* Sâu cuốn lá nhỏ (SCLN): diện tích nhiễm cao nhất trong kỳ là 154 ha, mật số dao động từ 10-20 con/m2. Chủ yếu gây hại giai đoạn đẻ nhánh tại huyện Vũng Liêm, Trà Ôn. Cuối tháng 10 đầu tháng 11/2022, SCLN gia tăng mật số và diện tích gây hại nhất là trên các trà lúa đòng đến trổ trên lúa Thu đông trà muộn và Đông Xuân sớm.

- Biện pháp quản lý: Cần chú ý những ruộng sạ dày, bón thừa đạm, phun thuốc trừ sâu sớm đầu vụ có thể gây hại nặng; Thăm đồng thường xuyên, điều tra mật số SCLN có trên đồng để có biện pháp xử lý kịp thời; Bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, có thể bón bổ sung các phân khoáng trung lượng như canxi, silic,…tăng khả năng chống chịu, đỗ ngã cho cây lúa; Sử dụng thuốc BVTV khi phát hiện SCLN có khả năng gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất lúa và phun thuốc khi sâu phổ biến ở tuổi 1-3.

- Ốc bươu vàng (OBV): là đối tượng thường xuyên trên ruộng lúa. Trong thời gian tới thời tiết thường có mưa nhiều, kết hợp triều cường lên cao là điều kiện cho OBV phát triển mạnh. Do vậy, những cánh đồng không thoát nước được cần chú ý đến sự gây hại của OBV, nhất là lúa ở giai đoạn mạ.

2.Về bệnh hại:thời tiết mưa bão nhiều, ẩm độ cao,... là cơ hội cho các loại bệnh hại xuất hiện gây hại trên lúa Thu Đông muộn như bênh đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, vàng lá chín sớm, đốm vằn và lem lép hạt,.... Vì vậy bà con phải chú ý thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời, sử dụng đúng thuốc để ngăn chặn mầm bệnh phát sinh phát triển mạnh. Nhất là bệnh đạo ôn cổ bông (thối cổ gié) và lem lép hạt.

* Bệnh đạo ôn: diện tíchnhiễm bệnh trong kỳ là 664 ha, với tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến 5-10%. Dự báo trong kỳ tới, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm và tỷ lệ bệnh trên tất cả các giai đoạn của cây lúa, chủ yếu giai đoạn làm đòng đến chắc xanh (nhất là bệnh đạo ôn cổ bông). Bệnh có thể xuất hiện và gây hại nhẹđến trung bình giai đoạn trổ chín, nhất là trên những ruộng gieo trồng giống nhiễm, sạ dày, bón nhiều phân đạm, cần kiểm tra ruộng lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

- Biện pháp quản lý:vớitình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa bão nhiều như hiện nay. Để phòng ngừa bệnh đạo ôn trên lúa Thu Đông muộn và Đông Xuân sớm đạt hiệu quả cao bà con nông dân phải áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ: làm đất bằng phẳng, sạ thưa, giống ít nhiễm bệnh, kết hợp thăm đồng thường xuyên khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh bà con ngưng bón phân đạm(nhất là phân Urea); tăng cường bón thêm phân kali (có thể phun hoặc rải), phun thuốc đặc trị bệnh. Khi phun thuốc cần phối hợp thêm các loại thuốc sát khuẩn nhằm hạn chế sự xâm nhập và gây hại của vi khuẩn. Không pha chung với phân bón lá, còn đối với đạo ôn cổ bông phải phun ngừa 2 lần, trước khi lúa trổ và sau khi lúa trổ đều.

* Bệnh lem lép hạt:tiếp tục phát triển gây nhiễm trên lúa trổ đến ngậm sữa. Đây là loại bệnh dễ xảy ra trong điều kiện thời tiết mưa bão, đặc biệt bệnh sẽ nặng hơn nếu lúa trổ trùng vào những lúc thời tiết có mưa giông lớn. Bệnh lem lép hạt có nhiều nguyên nhân gây hại (như nấm, vi khuẩn, nhện gié, bọ xít hôi chích hút,…). Do đó, những ruộng bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đốm vằn, bệnh vàng lá chín sớm, bọ xít hôi... có nguy cơ bị bệnh lem lép hạt nhiều hơn so với những ruộng khác. Có thể phòng ngừa bệnh bằng cách xử lý các loại thuốc đặc trị, kết hợp với thuốc trừ vi khuẩn trước và sau trổ 7 ngày, cần phun ngừa thuốc đặc trị nấm và vi khuẩn gây lem lép hạt. Bởi vì, một khi lúa đã bị “lem lép” thì chúng ta không có cách gì giúp lúa phục hồi lại được.

 

Những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân 2022-2023: sau khi đã thu hoạch lúa Thu Đông cần vệ sinh tốt đồng ruộng, làm đất kỹ, gia cố bờ bao, nạo vét, khơi thông thủy lợi nội đồng, bơm rút nước để xuống giống hạn chế thấp nhất ngập úng do mưa và triều cường sau xuống giống. Theo dõi bẫy đèn để xuống giống theo hướng tập trung đồng loạt, né rầy theo lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Bón lót phân lân ngay khi làm đất lần cuối nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ. Xử lý vôi, bơm và tháo nước rửa đất cho những diện tích có nguy cơ ngộ độc hữu cơ cao. Tùy tình hình thực tế tại địa phương có thể tổ chức ra quân diệt chuột trên diện rộng ở những khu vực chuột đang phát triển mạnh. Diệt chuột bằng nhiều biện pháp an toàn như săn bắt, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học,...

Lê Thị Chính

                                                          CC. Trồng trọt & BVTV Vĩnh Long

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng