CẦN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN VÀ BIỆN PHÁP BÓN PHÂN HIỆU QUẢ CHO CÂY TRỒNG
Thứ ba, 8/11/2022

KỲ 3: CÁCH PHÂN BIỆT VÀ NHẬN DẠNG

PHÂN BÓN THẬT VÀ PHÂN BÓN GIẢ

Bài viết có tham khảo tài liệu của Cục trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và PTNT

 

Trong các loại phân bón hiện đang bán trên thị trường thì các loại phân đơn như đạm Urea, S.A, Clorua Amôn, Supe lân và Lân nung chảy là khó làm giả hơn cả và tương đối dễ nhận biết do công nghệ sản xuất phức tạp, chi phí đầu tư lớn hoặc do giá trị thấp, việc làm giả không mang lại lợi nhuận cao. Riêng đối với phân chứa Kali và các loại phân hỗn hợp (NPK) thì rất dễ làm giả, làm nhái, làm kém chất lượng do công nghệ sản xuất đơn giản, chi phí đầu tư thấp, việc làm nhái, làm giả những loại phân nầy sẽ mang lại lợi nhuận lớn do chênh lệch giá cao. Việc xác định hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng chỉ xác định được chính xác bằng máy móc phân tích mà khó phân biệt được bằng cảm quan khi chỉ quan sát bằng mắt thường hoặc chỉ thử định tính.

Tuy nhiên, không phải là hoàn toàn không thể phân biệt phân bón thật với phân bón giả bằng cảm quan mà có thể phân biệt, lưạ chọn được phân Kali thật như sau:

(1) Đối với phân Clorua Kali (MOP, KCl) chứa 60% K2O:màu sắc đặc trưng là đỏ hồng, hồng nhạt, đỏ tím và màu trắng là loại phân chứa Kali phổ biến nhất, và cũng là loại phân dễ bị lợi dụng làm giả, làm nhái nhiều nhất, gây tổn thất nặng nề nhất cho người nông dân do chênh lệch giá giữa hàng thật-hàng giả rất lớn, lại dễ làm giả.Thông thường phần lớn nông dân tin rằng phân Clorua Kali là loại phân có màu đỏ và hể cứ thấy phân có màu đỏ là phân Kali. Tuy nhiên, thực tế không phải cứ loại phân bón nào có màu đỏ, màu hồng cũng là phân Kali. Do đó, nông dân dễ bị mua phải phân Kali giả do trên thị trường có các loại phân NKS, KNS, NPK… được một số công ty của Trung Quốc và một số nhà sản xuất trong nước cố tình làm rất giống phân Clorua Kali về mặt hình thức, nhất là màu đỏ đặc trưng của Kalinhưng thực chất chỉ có từ 10-30% là Oxit Kali, còn lại là phân S.A, muối ăn, phẩm màu, bột sét đỏ hoặc gạch nung đỏ được đập nhỏ ra bằng kích cỡ hạt phân kali nhằm mục đích bán được hàng thu lợi nhuận, các nhà bán lẻ lợi dụng sự cả tin và do sự thiếu hiểu biết của người nông dân để trục lợi.

Phân Kali thật do các công ty nhập trực tiếp từ nhà sản xuất ở Nga, Belarut, Canađa, Israel, Jordan,… với số lượng lớn, chất lượng đảm bảo, đã qua kiểm tra chất lượng của Nhà nước, được đóng trong bao trọng lượng 50 kg, có tên gọi thương mại là MOP, KALI, CLORUA KALI có hàm lượng Oxit kali tối thiểu là 60%. Đây là loại phân phải nhập khẩu 100%, do đó khi mua hàng, người nông dân phải cảnh giác, không thể để mặc cho người bán hàng muốn đưa loại phân nào cũng được, mà cần phải yêu cầu đại lý bán cho loại phân Kali thật, có hàm lượng K2O ≥ 60%. Sau đó phải xem bao bì có đúng là hàng nhập khẩu hay không? Hàm lượng Oxit Kali (K2O) ghi trên bao bì có phải là ≥60% hay không? Các loại phân được đại lý bán hàng giới thiệu là phân Kali nhưng do các cơ sở trong nước sản xuất, trên bao bì không ghi hàm lượng K2O chiếm 60% thì đều là hàng giả, hàng nhái. Những người bán hàng muốn kiếm lợi cao đã tìm cách tái sử dụng bao bì thật của phân Clorua Kali nhưng ruột là các loại phân KNS, NKS, KN hay sản phẩm Soil Conditioner (SC) như đã nêu ở kỳ 1,… để đánh lừa nông dân. Ngoài ra, khi mua phân bón từ các cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp người dân cần lấy hoá đơn hoặc giấy biên nhận

Các bước thử phân KCl thật – giả

để có bằng chứng pháp lý giải quyết sau này.Trường hợp phân biệt được phân Clorua Kali thật-giả bằng cảm quan. Nông dân có thể thử bằng cách như sau: sử dụng một chiếc cốc thủy tinh nhỏ, trắng và trong suốt, chế một ít nước sạch trong cốc, sau đó thả một nhúm chừng 3-5 gam sản phẩm vào trong cốc nước có dung tích 50-100 ml để làm thực nghiệm và quan sát theo từng bước kiểm tra để nhận định kết quả như sau: Nếu cốc nước chưa có màu hồng đỏ ngay, một phần chìm xuống nước, một phần vẫn nổi trên mặt cốc nước. Dùng cây que khuấy mạnh, dung dịch sẽ chuyển sang màu hồng nhạt, không vẩn đục, có váng đỏ bám quanh thành cốc, phân tan hết, thì đó là phân Clorua kali (MOP) thật. Nếu cốc nước lập tức có màu hồng đỏ, toàn bộ phân chìm xuống và tan rất nhanh, sau khi khuấy mạnh, dung dịch có màu hồng đỏ, vẩn đục, không có váng đỏ bám quanh thành cốc. Có thể để lại cặn không tan hết, thì đó là phân giả.

(2) Đối với phân Sunphat Kali (SOP, K2SO4) chứa 50% K2O: loại phân nầy có màu trắng, ở dạng hạt nhỏ hoặc bột, thường dùng bón cho các loại cây có múi, khoai tây, thuốc lá, cũng là loại phân phải nhập khẩu, số lượng dùng không phổ biến như phân KCl, nhưng cũng dễ bị làm giả khi trộn lẫn với bột đá vôi hoặc bột vôi sống, bột đất sét trắng. Cách phân biệt thật- giả chỉ có thể bằng cách tiến hành thực nghiệm bằng cách cho 7-10 gam phân vào cốc nước trong và quan sát các biểu hiện như sau: Nếu phân tan hết trong nước, dung dịch có màu trong suốt, thì đó là phân Sunphat Kali (SOP) thật. Nếu phân không tan hết, để lại cặn lắng(bột đá) hoặc dung dịch vẩn đục do huyền phù của vôi hoặc sét trắng, thì đó là phân giả.

3. Đối với phân Urea: có hai loại phân Urea chính là loại hạt trong (Prilled UREA) và phân Urea hạt đục (Granular UREA), cả hai loại đều có công thức hóa học và hàm lượng ni-tơ như nhau, tối thiểu là 46% đạm (N).

3.1. Trường hợp phân Urea hạt trong: là loại phổ biến nhất, dùng để bón trực tiếp cho cây trồng hoặc hòa tan trong nước để tưới. Loại phân nầy rất dễ tan, có màu trắng trong, dạng hạt tròn. Đây là loại phân rất khó làm giả, tuy nhiên đã xuất hiện loại kém chất lượng bằng cách trộn phân S.A vào phân Urea theo một tỷ lệ nhất định do phân SA rẻ hơn phân Urea. Đặc điểm để nhận biết là phân Urea thật chỉ có dạng hạt tròn, còn nếu có lẫn phân S.A thì các hạt phân S.A có dạng tinh thể, nhiều góc cạnh. Hiện nay nước ta chỉ có 03 nhà máy sản xuất được Urea hạt trong là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và Đạm Phú Mỹ, còn lại là phân Urea hạt trong nhập khẩu. Do đó, phân Urea hạt trong của các cơ sở sản xuất khác ở trong nước đều là hàng giả. Vì vậy, bà con nông dân nên chọn mua một trong ba loại Urea Hà Bắc, Ninh Bình và Phú Mỹ, hoặc phân Urea trên bao bì có ghi rõ ràng nguồn gốc của nước nhập khẩu.

3.2. Trường hợp phân Urea hạt đục: đây là loại phân dạng hạt tròn, to hơn U-rê hạt trong, do chậm tan và ít bị bay hơi hơn so với loại Urea hạt trong nên hiệu suất sử dụng cao hơn, có thể bón trực tiếp cho cây trồng hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất các loại phân hỗn hợp NPK. Phân có dạng hạt to, đường kính hạt 2- 4mm, cứng, màu trắng đục như sữa. Hiện nay nước ta chỉ có 01 nhà máy sản xuất được Urea hạt đục là Đạm Cà Mau, số còn lại phải nhập khẩu, rất khó làm giả nên có thể an tâm khi sử dụng loại phân này.  (còn tiếp)

Nguyễn Văn Liêm, Sở nông nghiệp Vĩnh Long

 

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng