BỆNH HÉO RŨ TRÊN CÂY XÀ LÁCH XOONG VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ
Thứ ba, 8/11/2022

Ở Việt Nam, cải xoong được trồng chủ yếu ở vùng cao, có khí hậu mát như miền Bắc, Đà Lạt, Bình Thuận và một số địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Bình Minh-Vĩnh Long, Cần Giuộc-Long An … (Trần Thị Ba, 1999). Tại Vĩnh Long, xã Thuận An là vùng chuyên canh trồng xà lách xoong lớn nhất thị xã Bình Minh, Vĩnh Long (98/110 ha toàn thị xã). Hàng năm địa phương này đã cung cấp hàng trăm ngàn tấn cải xà lách xoong cho khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh vì thế nó được nhắc đến như cái tên thương hiệu “xà lách xoong Bình Minh”.  Xà lách xoong là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, là loại rau thích hợp với những hộ gia đình có diện tích canh tác và vốn đầu tư ít.  Tuy nhiên,trong canh tác xà lách xoong, ngoài sâu hại như sâu tơ, rầy mềm, người  nông dân phải đối mặt với nhiều bệnh hại quan trọng gây thiệt hại đến năng suất và phẩm chất xà lách xoong. Theo khảo sát điều tra của Nguyễn Hồng Thi và  Nguyễn Thị Thu Nga, (2017) bệnh héo đọt và chết héo với tần suất xuất hiện chiếm khoảng 40% số hộ (nông dân thường gọi là bệnh “chết héo nhanh”). Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm sau Tết Nguyên đán (từ tháng 3-5 dương lịch hàng năm), nhất là trong điều kiện nắng, mưa xen kẻ. Đây là một trong những trăn trở của nông dân trong thời điểm hiện nay. Theo kết quả nghiên cứu Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long và đại học Cần Thơ, tác nhân gây bệnh héo xanh trên xà lách xoong là do vi khuẩn Ralstonia solanacearum dựa tên quy trình Koch và định danh bằng kỹ thuật PCR sử dụng cặp mồi chuyên biệt để nhận dạng vi khuẩn Ralstonia solanacearumPS96H(TCACCGAAGCCGAATCCGCGTCCATCAC) và PS96I (AAGGTGTCGTCCAGCTCGAACCCGCC) (Hartung và Werner, 1998)

1. Triệu chứng

Cây nhiễm bệnh sẽ có hiện tượng đọt bị rủ xuống vào trưa nắng, triệu chứng chỉ héo phần đọt non dài khoảng 5-10 cm, vết héo rũ tương đối khô trong khi các phần còn lại vẫn tươi xanh, phần gốc vẫn bình thường không bị thối. Khi bệnh mới xuất hiện có thể rãi rác trong liếp trồng, sau đó lây lan sang các cây lân cận và  phát triển thành từng cụm lớn  và gây thiệt hại nặng trong các vụ sau  nếu không áp dụng biện pháp quản lý kịp thời và đúng cách.

Hình 1: Triệu chứng héo chết nhanh và phương pháp kiểm tra nhanh tác nhân  bằng cách quan sát dòng tuôn vi khuẩn từ phần gốc thân cây bệnh trong cốc nước trong

2. Đặc tính gây hại của vi khuẩnR. solanacearum

Vi khuẩn R. solanacearum  có khả năng kí sinh gây hại trên 450 loại cây trồng thuộc 54 họ thực vật khác nhau (Hayward, 1991), là vi khuẩn Gram âm, đặc tính hiếu khí. Vi khuẩn lưu tồn trong đất, xác bã thực vật nhiễm bệnh, đặc biệt là từ hom giống. Vi khuẩn  xâm nhiễm qua rễ, sau đó vi khuẩn  sinh sản rất nhanh và định vị trong bó mạch  gổ của cây xà lách xoong. Khả năng di chuyển của vi khuẩn  rất nhanh nhờ áp lực vận chuyển nước trong bó mạch gổ  lên bộ phận lá do quá trình bốc thoát hơi nước của cây trồng khi trời nắng, chính vì vậy khi cây xuất hiện triệu chứng héo thì chết rất nhanh  hay còn gọi là bệnh héo xanh.

3. Phương pháp chẩn đoán bệnh ngoài đồng: chọn cây có triệu chứng héo, dùng lưỡi lam cắt ngang hoặc hơi xéo phần gần gốc thân cây bị bệnh, đặt vào cốc nước trong sau nột vài phút, lắc nhẹ sẽ thấy dòng vi khuẩn tuôn ra từ vị trí cắt (Hình 1).

4. Biện pháp quản lý bệnh héo xanh

* Biện pháp canh tác:

- Xử lý đất  trồng: xử lý vôi bột vào đất  khi  chuẩn bị liếp trồng  giúp nâng cao pH góp phần giảm sự gây hại của mầm bệnh với liều lượng 50-100 kg/1000m2.

- Sử dụng nguồn nước tưới mới không mang mầm bệnh.

- Cân đối phân bón, hạn chế sử dụng nhiều phân đạm.

- Đối với cây trồng được trong từ hom, cần quan tâm việc sử dụng nguồn giống sạch bệnh  khi gieo trồng mới.

* Biện pháp sinh học: đất trồng cần bổ sung phân hữu cơ ủ hoai  và các chế phẩm vi sinh giúp cây trồng tăng trưởng tốt và góp phần phòng trừ mầm bệnh.

* Biện pháp hóa học:

- Khi phát hiện cây bệnh cần nhổ bỏ và tiêu hủy cây bệnh ra khỏi ruộng. Rãi vôi tại  gốc cây bị bệnh; thực hiện phun thuốc trừ  vi khuẩn có đặc tính nội hấp hay lưu dẫn để trị bệnh  như các hoạt chất: oxolinic acid, bronopol. v.v .

- Sau mỗi đợt thu hooạch xà lách xoong cần áp dụng phối hợp thuốc trừ nấm + trừ khuẩn để hạn chế sự gây hại của các loại mầm bệnh này khi cây bị tổn thương.

- Việc sử dụng thuốc nên theo liều khuyến cáo và đảm bảo thời gian  cách ly trước thu hoạch.

Nguyễn Thị Thu Nga1và Phạm Hồng Thi2

1. Bộ môn Bảo Vệ Thực Vật, Khoa Nông Ngghiệp, Đại học Cần Thơ

2. Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn, tỉnh Vĩnh Long

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng