Main Image
Item 1 of 3
 


Tân Quy còn là vùng đất được nhiều bà con trong vùng gọi với cái tên “Cù lao vàng” , hoặc “Xóm cây vàng” do các nhà vườn ở đây đã đạt nhiều huy chương vàng trong các hội thi trái cây ngon trong tỉnh và khu vực ĐBSCL.

Vượt qua đoạn đường hơn 50km từ thành phố Vĩnh Long đến xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, thêm khoảng 10 phút qua chiếc phà nhỏ, chạy xéo ngang nhánh sông rộng cả ngàn mét, là “Xứ sở của cây trái” của xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn- Vĩnh Long, với 2 ấp Tích Khánh và Tích Phước.

Đây là vùng đất do phù sa bồi đắp, rất thích hợp trồng chôm chôm. Riêng tại ấp Tích Khánh- Tích Thiện có 76 ha chuyên canh chôm chôm Java. Giống chôm chôm Java đã có ở đây vài chục năm nay. Dân cù lao cho biết, so với chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai), chôm chôm xứ này trái to hơn, ăn ngọt hơn , màu sắc và… râu cũng đẹp hơn.

 

Đi đò ngang qua cù lao Tân Quy, lên ngay cái bến dẫn vào những khu vườn chôm chôm ở ấp Tích Khánh và Tích Phước. Những con đường làng đã được đúc đan bê-tông rộng khoảng hai mét, đẹp đẽ, phẳng phiu. Hai bên đường, vườn tược xanh um, cây trái mỡ màng làm khách phương xa ngắm nhìn mát mắt …. Anh Nguyễn Sỹ Tính, chủ tịch Hội Nông dân xã Tích Thiện, bỏ một ngày cùng chúng tôi về cù lao Tích Thiện, chỉ tận nơi những vườn chôm chôm từng đạt được nhiều giải trong các kỳ hội thi trái ngon và khách đến tham quan nhiều nhất. Anh nói những ngày lễ Tết, thanh niên nam nữ về đây vui chơi và ăn trái cây rất đông. 

Ngồi trong ngôi nhà tường khang trang lót gạch men bóng lộn của anh Nguyễn Văn Huẫn, ở đầu cồn Tích Phước- Tích Thiện, chúng tôi nghe kể chuyện xưa. 

Ông Ba Lờ, cán bộ ngành y tế đã về hưu cho biết: Cồn này nổi lên và được ghi lại trong sử cũng khoảng gần hai trăm năm nay. Lúc đầu, nó có tên đồng Bà Lụa, nghe nói là tên của người đầu tiên khai phá cồn này. Cũng có người  bảo hồi đó gọi  là cù lao Tân Vinh. Về sau, đổi tên làng là Tân Duy vào thời thuộc Pháp, làng này cũng như huyện Cầu Kè, Trà Ôn từng thuộc tỉnh Cần Thơ.

Trong hai cuộc kháng chiến, đây là hành lang giao thông giữa Khu 8 và Khu 9. Vì vậy, địch kiểm soát và khủng bố ác liệt. Có trận, tàu địch vây chặt cồn, chạy vòng quanh, cứ một phút có một tàu chạy qua, suốt bảy ngày bảy đêm như vậy… Đồn bót đóng tứ giăng, nhưng du kích vẫn dùng nhiều chiến thuật để bám đất, giữ vườn . Những người du kích đó, bây giờ là nông dân đang ngồi trò chuyện với chúng tôi đây, nhưng là nói về gốc tích của cây chôm chôm ở xứ cù lao. 

Những khách mới đến Cù lao Tân Quy lần đầu nếu không có người hướng dẫn, sẽ rất dễ bị đi lạc bởi những bờ bao- cũng chính là đường đi, nối liền nhau giữa các khu vườn, mảnh rẫy như những bờ tường thành băng ngang, xẻ dọc. 

Chỉ tính riêng phần đê bao vòng ngoài của Cù lao Tân Qui đã lên đến trên 15km. Còn bờ bao phía trong thì khó tính hết được. Bờ bao cũng chính là sự bảo đảm sống còn đối với cư dân giữa một vùng sông nước mênh mông, thủy triều lên xuống, thiên tai đe dọa.

Đi trên bờ bao, khách có thể tiện tay ngắt một chùm chôm chôm Java ngay trước mặt bên này, hoặc qua bên kia xem chôm chôm nhãn chín vàng ươm, quả là thú vị.

Sau cả buổi đi quanh đường làng, chúng tôi ghé lại một ngôi nhà mà theo lời giới thiệu của các anh ở  Hợp tác xã trái cây Tân Khánh, chủ nhà là một nông dân trẻ đoạt rất nhiều giải trong các hội thi. Đó là anh Nguyễn Văn Trang.

Theo anh Trang, mùa thuận của chôm chôm là thu hoạch vào tháng 4 và tháng 5 âm lịch hàng năm. Tuy năng suất cao nhưng giá bán thấp . Mùa nghịch là các nhà vườn phải tác động kỹ thuật (bằng cách bón phân, xiết nước, tưới nước hợp lý…) để cây ra hoa và cho thu hoạch trái vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch, tuy năng suất thấp hơn mùa thuận nhưng thường là giá cao hơn mùa thuận. Với 11,5 công vườn trồng chôm chôm Java và chôm chôm nhãn 20 năm tuổi, từ 4 năm nay áp dụng kỹ thuật cho ra trái nghịch vụ,  năng suất từ 35-40 tấn/ha/năm, sau khi trừ các loại chi phí, gia đình anh Trang khá dần lên.

 

Người dân Cù lao nổi tiếng hiếu khách. Đến nhà nào, khách cũng được mời những đặc sản có trong vườn nhà. Đó có thể là một ly trà nóng ấm, dĩa chuối cau nấu vội, hay chùm chôm chôm mới hái sau vườn… Ngồi nghe những lão nông tri điền kể chuyện ngày xưa đánh Tây bằng tầm vông, mã tấu… chuyện đánh tàu Mỹ bằng cách đóng cọc, căng dây thép bắt “bo-bo”, chuyện từng dong bắt kình ngư  hay chuyện be bờ, mở đất… tin rằng bạn khó mà rời gót.

Cù lao Tân Quy có chiều dài gần 7 cây số với diện tích tự nhiên hơn 600 ha.  Gần như 100% hộ dân nơi đây quanh năm chỉ sinh sống bằng nghề làm vườn, trong đó hộ nào ít đất cũng sở hữu khoảng vài trăm gốc chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… có hộ lên đến hàng ngàn gốc, cho thu nhập  nhiều mùa có dư. 

Có một điều hay, mặc dù cù lao Tân Quy thuộc hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, nhưng lại có chung một hợp tác xã  Chôm chôm Tân Khánh”. Thật ra tên đầy đủ là HTX dịch vụ cây ăn trái Tân Khánh. Sau hai năm thành lập, HTX có 28,5 ha chôm chôm, 46 xã viên. 

Ai đã một lần về thăm cù lao Tân Quy, dọc trên tuyến đê bao, đến đâu cũng bắt gặp một màu xanh  trong lành của cây trái, đón những làn gió mát từ  sông Hậu hiền hòa , cảm nhận khó quên về nhịp sống an lành. 

Vào thời điểm thu hoạch chôm chôm, vườn nào cũng nhộn nhịp … Trời ngả chiều. Chúng tôi lại ngồi đò máy, xuôi theo con rạch nhỏ giữa cù lao Tích Thiện- Trà Ôn và Tân Quy- Cầu Kè. Những hàng bần tươi tốt trải dài…, che khuất vườn tược phía sau. Đây cũng là nét đặc biệt của miệt vườn cây ăn trái  bên dòng Cửu Long, cũng như dừa nước chạy dài ven sông che rừng đước bạt ngàn xa là nét đặc biệt của vùng U Minh Hạ.  

Tấp nập trên rạch là những chiếc ghe máy chở nặng trái cây, mang ra chợ nổi Trà Ôn hay sang bến chợ . Trên sông lớn , ghe tải của các thương lái đang xuống những sọt chôm chôm chín đỏ xen vàng , hay quít đường vàng hực, mang ra cho các ghe buôn. Từ đây, trái cây này đi khắp nơi theo con đường nông sản miền Tây… 

 

 Cù lao Tân Quy , điểm du lịch hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, những vườn cây trái sum suê, trĩu quả. Khách quen còn sẽ nhớ chung rượu mít, rượu nhãn thơm lừng, thưởng thức cùng với nồi canh chua bần cá bông lau bên bờ sông Hậu. Ai đến Tân Quy mùa trái chín, khi chia tay cũng đầy lưu luyến!

Trọng Dũng