Main Image
Item 1 of 4
 

LÒ CỐM XUÂN PHƯỢNG

Cơ sở sản xuất cốm Xuân Phượng là một trong 19 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu. Với hơn 30 năm hoạt động, cốm Xuân Phượng đã dần trở thành thương hiệu uy tín trong và ngoài tỉnh.

Theo lời kể của cô Phượng – chủ cơ sở cốm Xuân Phượng cho biết, làm cốm là nghề truyền thống của gia đình. Thời gian trước, cơ sở chủ yếu làm cốm để đãi trong những dịp đám tiệc, hoặc biếu cho người thân, khách phương xa; dần dần hình thành nên một nghề để kiếm sống. Ngày nay, lượng tiêu thụ cốm đã giảm đi nhiều tuy vậy hương vị đặc trưng vẫn không thay đổi.

Cô Phượng cho biết để làm được cốm ngon phải trải qua nhiều công đoạn và cần nhất là sự khéo léo của người thợ. Đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu, gạo để làm hạt cốm phải là loại gạo một bụi đều hạt. Sau đó người thợ sẽ dùng những hạt cốm nổ này để ngào cốm. 


 

Hạt cốm nổ dùng để làm cốm Xuân Phượng

Để ngào một mẻ cốm, trước hết, thắng đường cát trong chảo cùng đậu phộng, gừng, mạch nha, nước cốt dừa, từ 10-15 phút, khi hỗn hợp chuyển sang màu cánh váng thì cho cốm nổ vào. Lúc này phải trộn thật nhanh để hạt cốm dính vào nhau. Tiếp đến đổ cốm ngào ra khuôn, chà láng và ép dẻ mặt cốm để chúng kết dính với nhau. Khi độ nóng của cốm đã dịu xuống thì nhanh chóng dùng dao cắt cốm thành miếng vừa ăn. Cuối cùng là cho cốm thành phẩm vào bọc ni-lông.

Cũng theo Cô Phượng, nhờ hương vị được khách hàng tin tưởng, ưa chuộng nên lượng cốm tiêu thụ khá ổn định, vào dịp Tết thì sản lượng tăng gấp đôi có khi gấp ba. Ngoài bỏ mối cho bạn hàng tại địa phương, gia đình Cô còn gửi đi bán ở TP.HCM, Tây Ninh,…Có khi khách đặt bánh để gửi cho người thân ở nước ngoài.

Để thương hiệu có thể phát triển bền vững, thời gian qua, cơ sở cốm Xuân Phượng đã chú trọng tự “nâng cấp” hơn, về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm. Nếu trước đây, các công đoạn làm cốm chủ yếu là sản xuất thủ công, thì hiện nay cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới để rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, giúp cơ sở mở rộng thị trường hơn.

Bên cạnh việc đổi cách thức sản xuất, cơ sở còn không ngừng nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, cải tiến mẫu mã sao cho đẹp mắt hơn, quan trọng nhất là chất lượng phải đảm bảo, đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đổi mới tư tưởng sản xuất, không đi theo lối mòn mà hiện nay sản phẩm cốm gạo Xuân Phượng ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng nhiều hơn, ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm còn được tiêu thụ ở Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp…, với sản lượng trên 1,2 tấn/tháng.

Với danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã khẳng định quá trình phấn đấu của cơ sở. Từ đó, là nguồn động lực giúp cơ sở vững chân bước tiếp tạo nên thương hiệu cho sản phẩm cốm gạo trong tỉnh.

 

 Nhờ đầu tư máy móc thiết bị, nâng chất lượng, cải tiến mẫu mã, sản phẩm của nhiều cơ sở đã mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.