Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, thành phố Hà Nội đã có 6 huyện được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 84,2% số xã); thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/năm, tăng 33,5 triệu đồng.

Khi nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thay đổi, cuốn hút người dân chung tay tạo dựng nên những miền quê đáng sống. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn được đổi mới, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, các hoạt động văn hoá - xã hội có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hoá và xã hội hoá, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Thành quả nhân văn nhất của quá trình xây dựng NTM là an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân được cải thiện, tính gắn kết cộng đồng ở khu vực nông thôn ngày càng bền chặt, từ đó khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.

Trong kết quả chung ấy, là những đóng góp của chính những người nông dân - chủ thể của mọi quá trình kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra ở nông thôn - tham gia tích cực vào xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi..; cùng chung tay xây dựng nếp sống văn hóa mới ở chính nơi họ sinh sống, gắn bó từ đời này qua đời khác… Người nông dân đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong quá trình xây dựng NTM.

Bước sang giai đoạn mới, Hà Nội đang hướng đến xây dựng NTM nâng cao. UBND thành phố đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Hiện nay, tại Đan Phượng, huyện đầu tiên của Thủ đô đạt chuẩn NTM, đã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu ở các xã: Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung với những điểm nhấn: Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận. Tới đây, mô hình này sẽ được triển khai rộng ra các địa phương khác với mục tiêu xây dựng NTM bảo đảm chất lượng, đồng bộ, hiệu quả, bền vững, góp phần để nông thôn Thủ đô thật sự trở thành những nơi đáng sống.

Trích Hà Nội mới
Sáng 17-9, chuông cửa ngôi nhà nhỏ ngay đầu phố Trần Đăng Ninh reo sớm. Ông Cương ra nhận tấm giấy mời cho cuộc hội ngộ đặc biệt sau chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Nội. Đã 13 tháng 16 ngày kể từ khi nhận quyết định nghỉ chế độ, vẫn nguyên vẹn cảm xúc, điểm khởi đầu hành trình xây dựng NTM Hà Nội trong ông là những giây phút hạnh phúc run người và bản lĩnh tự tin để vượt qua muôn vàn khó khăn...

9h30 ngày 31-3-2009, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội Lê Thiết Cương nhận được điện thoại của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lã Văn Lý thông báo Hà Nội đã được Trung ương lựa chọn lấy một xã làm điểm trong tổng cộng 11 xã điểm của cả nước để chỉ đạo xây dựng NTM. Cuộc gọi báo tin vui ấy khiến ông Cương nhớ mãi.

Ông Lê Thiết Cương

Và câu chuyện NTM của Hà Nội với ông bắt đầu từ chính thời điểm này. Ông Cương kể, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X chủ trương thực hiện Nghị quyết Trung ương 26/NQ-TW năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng việc làm cụ thể là xây dựng hệ thống các xã điểm NTM trên toàn quốc, đã có 10 xã đại diện cho các vùng nông thôn khác nhau trên cả nước được lựa chọn để triển khai rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, lúc đó chưa có xã nào của Hà Nội nằm trong danh sách.

“Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có đến 88,3% diện tích đất nông nghiệp, 401 đơn vị hành chính cấp xã, đứng thứ 3 cả nước sau Thanh Hóa, Nghệ An nên thành phố đặt vấn đề kiến nghị Trung ương bổ sung một xã điểm tại Thủ đô. Đây là quan điểm rất trúng và đúng của lãnh đạo thành phố Hà Nội”, ông Cương nhìn nhận lại.

“Cương ơi! Hà Nội đã có một xã được chọn!”, sau câu báo tin mà như reo vui của ông Lã Văn Lý, ông Cương nhận nhiệm vụ sáng sớm hôm sau có mặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng đoàn công tác Trung ương thống nhất tiêu chí chọn xã điểm của Hà Nội. Ngày 1-4-2009, trong 3 xã Hà Nội đưa ra để đoàn cân nhắc, Thụy Hương (Chương Mỹ) được “chốt” bởi đáp ứng các tiêu chí ở mức tương đối, “không quá cao cũng không quá thấp”.

Trong trí nhớ của ông Cương, quá trình ông tham mưu, giúp việc cho thành phố khảo sát điều tra để lập đề án xây dựng xã điểm NTM Thụy Hương sau đó là câu chuyện dài và đầy rẫy khó khăn. Thành phố “soi” vào 5 nhóm nội dung và 19 tiêu chí tại Quyết định 491/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM để khảo sát, điều tra, đánh giá thực trạng và lượng hóa được Thụy Hương đang “đứng” ở vị trí nào trong từng tiêu chí. Trên cơ sở đó, đề án phải đưa ra được các giải pháp, bước đi, cơ chế, chính sách, cách làm, nguồn lực… cụ thể để “bù đắp” phần thiếu hụt cho từng tiêu chí.

Cuối năm 2009, đề án xây dựng hoàn tất. Do nhiều đề án của các địa phương trình ra Trung ương trước đó đều chưa được thông qua nên “sức ép” đặt ra cho Hà Nội rất lớn. Hôm bảo vệ đề án trước Trung ương, ông Cương vẫn nhớ như in cảm giác “sướng run người” bởi sau khi đề án được trình bày, lãnh đạo hàng chục bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng nêu ý kiến phản biện, đồng chí Trương Tấn Sang, lúc bấy giờ là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, chấm cho đề án của Hà Nội 8,5 điểm. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương khác lấy đây làm mẫu, về Hà Nội học hỏi.

Những ngày đầu xây dựng NTM tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt

Qua 10 năm đảm nhận trọng trách là Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM Hà Nội, ông Lê Thiết Cương luôn khẳng định: “Vai trò lịch sử của Thụy Hương là tuyệt vời. Những gì Thụy Hương đã làm được và chưa làm được đều là bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra cho đề án chung của thành phố triển khai NTM rộng khắp sau này”.

Năm 2010, là một trong những người xây dựng Đề án về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 tầm nhìn 2030 toàn thành phố, ông Cương đã thức trắng nhiều đêm để hoàn thiện Đề án. 3 ngày trước khi Đề án được đưa ra biểu quyết, ông được lãnh đạo UBND thành phố giới thiệu là một “chuyên gia” để có cuộc gặp, đưa ra các lý lẽ giải trình riêng với Chủ tịch HĐND thành phố lúc đó là đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh. Nhờ có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và bài bản, tại kỳ họp thứ hai mươi, với 96,6% đại biểu nhất trí, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 03/2010/NQ-HĐND thông qua Đề án về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 tầm nhìn 2030 toàn thành phố.

Sau Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XV, năm 2011, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”. Lúc này, xấp xỉ 60% người dân Hà Nội sống ở khu vực nông thôn và cả những người xuất thân từ nông dân như ông Cương lòng vui như “mở hội”. Họ cảm nhận rõ rằng, rồi đây, nông thôn, nông nghiệp và người nông dân Thủ đô sau hợp nhất địa giới hành chính sẽ có cơ hội chuyển mình “có một không hai”.

“Tại sao Hà Nội luôn đi đầu cả nước trong xây dựng NTM? - Vì Hà Nội có bước đi bài bản, khoa học, đi bước trước nhưng đã tính được những bước sau...”

Ông LÊ THIẾT CƯƠNG

7 năm sau đó, ông Cương đã tự vẽ tấm “bản đồ” đặc biệt cho cuộc đời mình khi xe của ông đi 4 vạn cây mỗi năm, đưa ông đặt chân đến đủ khắp 401 xã của Thủ đô đã được quy hoạch xã nông thôn mới. Hàng ngàn buổi tiếp xúc gặp gỡ giúp người dân hiểu ra thế nào là NTM, dồn điền đổi thửa ra sao, sức dân có thể đóng góp như thế nào... Trên tất cả là giúp bà con cảm nhận được sự quan tâm “tròn trịa, đủ đầy” của Đảng, Nhà nước đến người nông dân qua hệ thống chính sách về xây dựng NTM, khác với các chính sách trước đó, khi người nông dân được đặt vào vị trí vừa là chủ thể, vừa là người hưởng thụ.

“Xây dựng nông thôn mới là quá trình chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc. Người nông dân phải làm chủ nông thôn, vững vàng bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Họ phải được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng thụ...”, ông Cương nhiều lần nhấn mạnh nội dung căn cốt này tới đội ngũ cán bộ các cấp gần dân nhất.

Dồn điền đổi thửa góp phần tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.

Hiểu rõ công tác dồn điền đổi thửa những diện tích đất nông nghiệp vốn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán sẽ là khâu đột phá, có tác động trực tiếp và tích cực đến 19 tiêu chí xây dựng NTM, ông Cương dồn tâm huyết soạn Hướng dẫn số 29/HD-SNN ngày 14-5-2012 về “Quy trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Hơn 1.800 ha đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa của thành phố đã giúp các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, là nguồn lực thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng NTM. Cũng bởi hiểu rõ “ngọn ngành” công việc hệ trọng này, ông được lãnh đạo thành phố tin cậy giao nhiệm vụ tìm nút thắt, tháo gỡ nhiều “điểm nóng” trong thực hiện dồn điền đổi thửa giai đoạn đầu tại một số địa phương như xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) hay Cộng Hòa (huyện Quốc Oai)...

Về với người nông dân, ông vẫn được nhiều bà con cảm kích biếu mớ rau, túi quả từ vườn nhà. Họ nói đây chính là những thức quà ngon nhờ Chương trình 02 và những người như ông đang đem lại, giúp họ đổi đời. Ông cảm động đáp: “Với tôi thế này là phần thưởng chẳng gì sánh bằng!”.

Người Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM Hà Nội năm ấy, giờ vẫn luôn khiêm tốn tâm niệm mình chỉ là người “từ những chiếc lá xanh vun lên thành đốm lửa lớn” trong xây dựng NTM. Thế nhưng, từ sự “truyền lửa” ban đầu ấy, hàng loạt tấm gương đóng góp công của, hiến đất làm đường, nhiệt huyết xây dựng NTM được khích lệ và xuất hiện ngày một nhiều…

Trích Hà Nội mới
Sau Tết Trung thu, người dân xã Thượng Mỗ (Đan Phượng) hồ hởi cho đợt chăm bón giống bưởi “Tôm vàng Đan Phượng” chuẩn bị đón Tết Nguyên đán đến gần. Đất xã Thượng Mỗ giờ đây phần lớn dành cho việc trồng giống bưởi “hái ra tiền”, trong khuôn viên các gia đình cũng dành diện tích trồng vài cây bưởi, vừa để lấy bóng mát, vừa để lấy hương thơm. “Tấc đất, tấc vàng” là vậy nhưng những người dân ở đây đến giờ vẫn chưa quên được câu chuyện hiến đất mở đường, góp sức xây dựng bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Thảnh thơi nhấm nháp chén nước lá được nấu từ hàng chục loại cây cỏ trồng quanh vườn nhà, ông Đặng Văn Hùng, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Thượng Mỗ phấn khởi kể về những thành quả mà nhân dân Thượng Mỗ cùng nhau thực hiện trong việc mở rộng đường nông thôn. Ánh mắt của ông Bí thư xã năm nào lấp lánh vẻ tự hào xen lẫn xúc động.

Ông Hùng kể, thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ thành phố và Chương trình số 02-Ctr/TU ngày 29-8-2011 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, nhiều nơi của huyện Đan Phượng, các phong trào xây dựng NTM thực hiện rầm rộ với không khí phấn khởi. Phong trào hiến đất mở rộng đường nông thôn là nhiệm vụ được xác định sẽ khó khăn và lâu dài. Khó là bởi “tấc đất, tấc vàng”, đâu ai dễ gì từ bỏ từng mét đất đã gắn bó với cuộc sống của họ bao lâu nay.

So với các xã khác ở huyện Đan Phượng, Thượng Mỗ bắt nhịp sau, nhưng phong trào hiến đất, góp công, góp của từ nhân dân đạt kết quả nhanh đến bất ngờ. Hàng chục cuộc họp giữa chính quyền xã và người dân diễn ra để bàn về việc mở đường nông thôn. Lúc đầu, nhiều gia đình còn băn khoăn, e ngại khi phải tháo dỡ, từ bỏ một phần tài sản của gia đình như tường nhà, bể nước ngầm, công trình phụ...

“Cái khó sẽ ló cái khôn, cán bộ cần làm gương trước mới mong nhân dân thực hiện”, ông Hùng nghĩ bụng.

Nghĩ là làm, ông Hùng tiên phong đầu tiên trong việc hiến đất. Sáng ngày 24-11-2013, ông nhờ người phá bỏ bức tường trước cửa nhà dài 21m, căng dây lùi tường vào sâu 50cm để mở rộng phần đường đầu ngõ. Con ngõ nhỏ ngày thường chỉ rộng chừng 2m, bỗng được mở rộng, thoáng mắt hẳn. Năm hộ dân trong ngõ thấy vậy cũng cùng đẩy lùi bức tường của gia đình vào nửa mét. Đường thôn được mở rộng, sạch đẹp khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Từ một thôn hiến đất mở đường, phong trào hiến đất ở Thượng Mỗ lan nhanh. Thôn nào cũng có hàng chục hộ tự nguyện cắt đất làm đường. Thôn Tân Thanh còn có mấy gia đình hiến hàng trăm mét vuông đất, mở hẳn một con đường mới, ô tô có thể vào đến cổng nhà. Không chỉ hiến đất thổ cư, người xã Thượng Mỗ còn tích cực hiến đất phần trăm để làm đường giao thông. Chỉ trong vòng 2 tháng thực hiện, Thượng Mỗ trở thành “lá cờ đầu” của huyện Đan Phượng trong phong trào hiến đất làm đường, xây dựng NTM.

“Kế hoạch hiến đất được Huyện ủy đề ra trong 3 năm nhưng Thượng Mỗ đã làm được việc khó tin là kêu gọi nhân dân thực hiện chỉ trong 60 ngày. Thắng lợi lớn là nhờ nhân dân trên dưới một lòng. Thuyết phục bà con cần phải có lý, có tình, luôn đặt lợi ích của bà còn lên trên hết, có vậy họ mới nghe theo”, ông Đặng Văn Hùng tự hào nói.

Liên Trung là một trong ba xã của Đan Phượng đạt chuẩn NTM nâng cao. Ông Trần Trọng Quyết ở thôn Trung 2 là tấm gương sáng trong phong trào hiến đất mở đường ở địa phương. Ngôi nhà của ông Quyết nằm trong con ngõ nhỏ, trước đó chỉ rộng hơn 2m. Đầu ngõ, có một khúc cua gấp, thường hay xảy ra va quệt do đường hẹp. Ông Quyết kể, trước kia ngày nào ông cũng nghe thấy tiếng “xoảng” ở đầu ngõ. Chỉ ở trong nhà cũng đoán ngay lại có ai đó đâm phải nhau khi đi vào khúc cua.

Ông Trần Trọng Quyết và vợ đứng ở khu vực đất mà gia đình ông đã hiến một phần để mở rộng đường.

Đầu năm 2018, chính quyền xã Liên Trung kêu gọi nhân dân cùng chung sức, góp công góp của mở rộng các tuyến đường để xây dựng NTM. Gia đình ông Quyết hưởng ứng đầu tiên, tự nguyện hiến hơn chục mét vuông đất, mở rộng khúc cua đầu ngõ, giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Thời điểm ấy, giá trị phần đất mà gia đình ông Quyết đóng góp cũng cỡ gần 200 triệu đồng.

Khi được hỏi về quyết định hiến số đất có giá trị không nhỏ để làm đường, ông Quyết bình thản bảo: “Sân nhà có hẹp hơn chục mét cũng không ảnh hưởng nhiều. Nhưng đường được mở rộng thêm chục mét thì ai cũng được lợi. Đặt lợi ích chung lên trên thì thấy việc đóng góp này cũng là hợp lý”.

Tổng kết lại 10 năm thực hiện xây dựng NTM ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Liên Trung Hoàng Văn Hanh cho biết, đến nay xã đã thực hiện được 108 dự án, trong đó có 35 dự án đường giao thông nội đồng và giao thông nông thôn tại 177 đường ngõ xóm với tổng chiều dài hơn 41km. Thành quả này là nhờ vào sự đoàn kết, đồng thuận từ chính quyền đến bà con nhân dân.

Ngôi nhà cổ của ông Khuất Duy Nguyên (75 tuổi) ở xóm Dế thuộc thôn Trạch Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ. Nhà được làm bằng gỗ, có từ 5 đời, tính đến nay đã hơn 100 tuổi. Ông Nguyên là cháu trưởng của dòng họ Khuất trong làng, nên mọi việc ông làm đều có ảnh hưởng đến những người trong họ.

Ông Khuất Duy Nguyên

Ông Nguyên kể: “Khi tôi đồng ý dỡ bỏ một phần mái nhà, phạt đi một đoạn tường để hiến đất, người trong dòng họ phản đối lắm. Đất hương hoả, nhà tổ tiên có từ 5 đời bỗng nhiên động chạm phá dỡ, ai cũng ngại. Trong các cuộc họp gia đình, tôi vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm của mình vì tôi nghĩ mỗi nhà lùi vào vài chục centimet thì đường thôn sẽ thoáng rộng hơn. Đó là cái lợi lâu dài mà ai cũng được hưởng. Thấy tôi cương quyết vậy, con cháu cũng nghe theo”.

Sự quyết đoán và tinh thần đồng lòng xây dựng NTM của cựu quân nhân 50 năm tuổi Đảng đã góp phần giúp phong trào hiến đất làm đường ở thôn Trạch Lôi thêm hiệu quả. Sau khi tự nguyện đẩy lùi bức tường của ngôi nhà cổ vào 20cm, ông Khuất Duy Nguyên tiếp tục vận động người trong họ hiến đất làm đường. Nhìn tấm gương ông Nguyên, các gia đình trong thôn đồng loạt lùi tường nhà, xây lại cổng. Nhà nào không có đất để hiến thì tự nguyện góp tiền mở rộng đường thôn.

“Trước kia, khách đến chơi phải để ô tô ngoài sân đình, đi bộ vào thôn thì nay ô tô có thể vào được đến tận cổng nhà. Đường làng ngõ xóm rộng rãi hơn khiến ai cũng vui”, ông Nguyên nói.

Buổi chiều thu tháng 9, đúng giờ tan tầm, con đường làng Trạch Lôi rộn ràng tiếng nói cười. Tan học, trẻ em đi thành từng tốp thản nhiên đạp xe trên con đường trải bê tông, rộng hơn 20m. Ông Hoàng Văn Độ, Phó Chủ tịch xã Trạch Mỹ Lộc khoe, không chỉ riêng Trạch Lôi mà nhiều con đường khác trên địa bàn xã Trạch Mỹ Lộc, người dân đóng góp làm lại hệ thống thoát nước và đổ lại đường dân sinh, nhìn khang trang hẳn. Đời sống nhân dân ở địa phương cũng vì thế mà được nâng cao chất lượng.

Hiện nay, không riêng gì các xã ở huyện Đan Phượng, Phúc Thọ mà rất nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội, phong trào hiến đất, góp công, góp của diễn ra sôi nổi, với tinh thần tự giác, tự nguyện của nhân dân. Bộ mặt nông thôn thêm phần khởi sắc, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng NTM. Kết quả ấy có được là do sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng từ cả hệ thống chính trị đến người dân mà trong đó đóng góp của từng cán bộ, người dân đã mang đến hiệu quả lớn, giúp Hà Nội sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Trích Hà Nội mới
Xây dựng NTM, phải xác định là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững; nông thôn của một thế hệ nông dân dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo… Thông điệp này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

h chiều, lưới được giăng lên tại sân đình thôn Trạch Lôi. Góc sân ngoài, ông Thúc cùng nhóm bạn già chia thành hai đội thi đấu bóng chuyền hơi. Khoảnh sân trong, Thắng, Cường và đám con trai mướt mải đá bóng, đạp xe. Lũ trẻ Trạch Lôi tan học về dừng chân ríu rít vui đùa trên dãy ghế đá quanh ao làng. Chậm lại một nhịp bóng để bao quát xung quanh, ông Thúc nở nụ cười mãn nguyện...

Bí thư Chi bộ 3, Đảng bộ xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ Hoàng Văn Thúc nhớ lại năm 2018, đình làng Trạch Lôi vì thời gian đã sụp đổ một phần. Với quyết tâm không để mất đi nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa chung của cộng đồng, 540 hộ gia đình với 2.400 khẩu trong thôn đồng lòng xây dựng lại đình làng bằng nguồn lực tự huy động trong dân và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

“Ban tài chính và thủ quỹ túc trực ở đình, các hộ tự nguyện mang tiền đến đóng góp chứ không phải đi vận động. Toàn bộ số tiền thu được gần 3 tỷ đồng được cập nhật, công khai từng ngày khiến nhân dân an tâm, tin tưởng. Khánh thành đình vào ngày 11-3-2019, cả thôn vui như mở hội. Quần thể đình - ao làng giờ là niềm tự hào và tiếp tục gắn kết, cổ vũ bà con tiếp tục xây dựng Trạch Lôi trở thành thôn tiêu biểu trong xây dựng NTM tại địa phương”, ông Thúc tin tưởng.

Nhớ lại những năm 2012-2013, khi bắt tay vào thực hiện dồn điền đổi thửa ở thôn được coi là địa bàn phức tạp nhất của cả xã do diện tích rộng, dân cư đông, đồng ruộng manh mún, nhiều hộ dân bị động chạm đến quyền lợi không đồng thuận... ông Thúc nhiều phen lo việc lớn khó thành.

Thế nhưng, với ý chí quyết tâm dồn ô nhỏ thành thửa lớn, sau 7 cuộc họp dân để kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích, ông cùng với đội ngũ cán bộ thôn đã giúp những hộ ban đầu còn phản đối hiểu ra những lợi ích chính họ sẽ được hưởng.

Việc điều tra diện tích, đo đạc và dồn ô đổi thửa tại Trạch Lôi sau đó được thực hiện trên tinh thần công bằng tuyệt đối khiến người dân càng thêm tin tưởng. Giao thông nội đồng tại thôn được mở rộng thông thoáng 5m, người dân chạy xe thu hoạch đến tận bờ, tháo nước về tận ruộng dễ dàng nên các hoạt động sản xuất càng thuận lợi.

Ông Thúc còn “khoe” 15 ha đất sau dồn ô đổi thửa cho năng suất trồng lúa thấp được chuyển đổi sang thành trồng bưởi diễn. Sau gần 3 năm chăm bón, hơn 6.000 cây bưởi đang phát triển tốt, hứa hẹn sang năm sẽ bói lứa quả đầu tiên. 109 hộ gia đình tham gia thực hiện đề án tin tưởng có nguồn thu lớn, gấp 10 lần so với lúa. Hiện nay khi bưởi chưa được thu hoạch, họ được hướng dẫn trồng xen cây ngắn ngày như ngô, đậu tương, lạc, khoai...

Sau gần 30 năm làm cán bộ xã, giữ nhiều chức vụ, trọng trách khác nhau và tiếp tục được dân tín nhiệm bầu làm bí thư khi đã nghỉ hưu, ông Thúc hiểu rõ hơn ai hết, nhiều việc trong xây dựng nông thôn mới muốn thành công thì người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Đơn cử, cuối năm 2018, có 3 đảng viên trong thôn xung phong phá dỡ tường bao của gia đình, thậm chí tháo cả một gian nhà cổ ông cha để lại để lùi diện tích mở rộng ngõ. Người dân thấy vậy tự động làm theo. Đến nay tổng diện tích đất người dân hiến cho việc mở rộng đường làng, ngõ xóm tại thôn là 243m2.

Gánh trên vai trọng trách đem nghề, đem kiến thức trồng hoa về truyền cho bà con thuần nông Tam Thuấn (Phúc Thọ), chàng trai trẻ Lê Quang Dương đã không còn cảm thấy sức nặng bởi anh dần được bà con san sẻ, tin yêu. Thôn Táo 3 của Dương đã thành lập hội nghề nghiệp trồng hoa, quy tụ tới 34 hội viên.

Anh Lê Quang Dương

“Tôi đưa ra ý tưởng quy tụ người trồng hoa vào hội. Hội do anh trai tôi làm tổ trưởng. Cứ khoảng từ 1-2 tháng, sau một vụ hoa, hội họp lại, xem ai được nhiều được ít, ai còn yếu về kỹ thuật để hỗ trợ. Mừng là đa phần hội viên đều còn trẻ, nhiệt huyết học hỏi. Có những gia đình hai bố con cùng tham gia...”, Dương vui vẻ kể.

Cuối năm 2007, chàng trai trẻ sinh năm 1985 này lập gia đình và chỉ biết đến nghề phụ hồ để kiếm tiền nuôi gia đình. Thu nhập bấp bênh, gia cảnh nghèo khó khiến anh quyết tâm tìm lối thoát. Hàng ngày, đi về qua vùng hoa Tây Tựu (Từ Liêm), Dương muốn thử sức với nghề vẫn được coi là “đánh bạc với trời”. Anh bỏ phụ hồ, xin vào làm thuê cho một nhà vườn để học hỏi kinh nghiệm. Thấy anh chịu thương chịu khó, khao khát sống với nghề nên chủ vườn yêu quý, từng bước truyền dạy.

Khi lưng vốn kiến thức đã hòm hòm, Dương đi vay mượn 70 triệu đồng, dốc sức cho vụ hoa ly đầu tiên. Buồn là năm đó toàn bộ số cây bị “cháy sinh lý”, không ra hoa khiến chàng trai trẻ mất trắng vốn liếng. Không nản chí, Dương tiếp tục bám nghề, rút kinh nghiệm qua thất bại mùa trước để dần được “ăn” từ những vụ hoa sau.

Tiền đi vay đã trả hết, giờ lưng vốn Dương tích lũy được lên tới vài ba tỷ. Năm 2012, Dương xây được nhà mới, chăm lo cuộc sống đủ đầy cho bố mẹ, vợ con. Nhà vườn của Dương cũng tạo thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng cho hàng chục lao động trong thôn. Nghề trồng hoa Dương đem về đang dần giúp thay đổi bộ mặt thôn Táo 3 khi thêm những nóc nhà khang trang, to đẹp được xây cất, nhiều ô tô được sắm mới...

Dưới cái nắng gắt cuối tháng 8, Dương ra đồng tưới nước cho những ruộng huệ mập bông sắp đến ngày được “ăn”. Khu ruộng Dương mới thuê thêm bên xã Tam Hiệp, các công nhân nhanh tay vùi củ ly cho ra hoa vào dịp 20-11. Những ruộng cúc giống cũng đã được che khéo để bán dịp cuối năm. Toàn bộ hoa của Dương cũng như bà con trong vùng mỗi sớm mai vẫn đều đặn tỏa về tiêu thụ tại chợ hoa Quảng An và các chợ đầu mối khác trong nội thành.

Khu trồng hoa của anh Lê Quang Dương.

Dương tự nhủ, mình và bà con Tam Thuấn được đổi đời là nhờ nông thôn mới. Những khu ruộng diện tích lớn, hạ tầng đường xá khang trang cùng với chính sách hỗ trợ cho vay vốn, khuyến khích các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Phúc Thọ suốt những năm qua là điểm tựa để anh và bà con vươn lên thoát nghèo.

Ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ chia sẻ, xác định là huyện nông nghiệp nên cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn. Và hướng đi này chỉ có thể thực hiện thành công với sự vào cuộc tích cực của những thanh niên trẻ dám nghĩ dám làm như Lê Quang Dương.

Trích Hà Nội mới
Đan Phượng là huyện “cán đích” NTM sớm nhất của thành phố. Nhưng quê hương của phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" đang viết tiếp câu chuyện xây dựng NTM ở Hà Nội: Chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc!

hó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng Nguyễn Tiến Dũng bật cười khi nhớ lại năm 2012, khi ấy ông là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, nhiều bà con đã nói với ông rằng “xây dựng nông thôn mới là việc của cán bộ, không phải của dân!”. Sau những nhầm tưởng ban đầu ấy, người dân Thượng Mỗ (Đan Phượng) vui như mở hội. Đường làng ngõ xóm nào cũng thực sự là đại công trường. Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Tiến Dũng cả ngày ngược xuôi chạy giữa các ngõ xóm đôn đốc tiến độ xây dựng. Điện thoại của ông “cháy máy” vì các cuộc gọi giục xi măng, vật liệu. Đêm về, ông tiếp tục đi vận động, thương thuyết vài hộ gia đình hiến đất mở đường.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng.

- PV: Trong xây dựng NTM giai đoạn đầu, được biết, chỉ sau 2 tháng cuối năm 2012 toàn huyện đã xây dựng được gần 137 km đường ngõ, xóm. Vậy đâu là “bí quyết” để các xã đạt tiến độ khẩn trương này?

- Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng: Trước thực trạng hệ thống giao thông xuống cấp, nhỏ hẹp, Đan Phượng đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, trong đó có quyết định hỗ trợ 29% vật liệu để cải tạo nâng cấp đường giao thông xóm, ngõ kết hợp với rãnh thoát nước.

Thành phố quy định hỗ trợ sau đầu tư nhưng lãnh đạo huyện đã quyết định vận động các doanh nghiệp cung ứng vật liệu theo hình thức trả chậm để ứng trước vật liệu cho nhân dân. Toàn bộ quá trình thực hiện có sự tham gia giám sát của Ban giám sát cộng đồng, đảm bảo đầu tư có hiệu quả và tiết kiệm nhất. Nhờ cách làm như vậy, chỉ trong 3 năm, từ cuối năm 2012 đến năm 2015, toàn huyện đã hoàn thành xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, đạt tiêu chí nông thôn mới.

Nhớ lại những ngày đó, ông Nguyễn Hợp Thụ, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 1, xã Liên Trung miêu tả: Tất cả 6 xóm trong thôn đều đồng loạt ra quân như một “đại công trường”. Đường chính của xóm được đổ bê tông cùng cải tạo hệ thống thoát nước.

Ông Nguyễn Hợp Thụ.

Ban Công tác Mặt trận vào cuộc, vận động từng gia đình, đặc biệt là những nhà tại khúc quanh trong ngõ đều lùi tường bao vào ít là 20-30 cm, nhiều thì đến cả mét. Những con đường lầy lội, chật hẹp trước đây biến mất, thay vào đó là đường rộng đến 3m, đổ bê tông phẳng phiu, thoát nước hợp vệ sinh.

Về nhân lực, có xóm người dân muốn tự tay làm, vừa phát huy sức lao động vừa tiết kiệm chi phí. Cũng có xóm vận động đóng góp theo nhân khẩu để thuê thợ thi công. Có những trường hợp như hộ ông Nguyễn Trọng Hiến, là hộ gia đình đông con, tới 9 khẩu và có người tàn tật nên được cả xóm đề nghị miễn trừ đóng góp, nhưng nhà ông Hiến vẫn xin tham gia đầy đủ như các hộ khác, góp sức cùng cộng đồng, nhưng cũng là vì cuộc sống của chính gia đình.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng thôn Trung 1 thì nhớ mỗi xóm một khẩu hiệu, nào là “Ta làm - Ta hưởng”, nào là “Dân làm, dân biết, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” để khích lệ, động viên nhau hiến đất mở rộng đường, mở rộng ngõ xóm khang trang sạch đẹp. Các đoàn viên thanh niên luôn là lực lượng ra quân đầu tiên, việc gì cũng không nề hà.

“Cứ nhìn vào tinh thần mọi người khi ấy là đủ biết mọi việc sẽ sớm thành công”, ông Thụ bồi hồi nhớ lại.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, UBND huyện và Ban Chỉ đạo huyện Đan Phượng xác định nhiệm vụ trọng tâm là duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Các nhiệm vụ được khái quát thành khẩu hiệu như “sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”; “3 tập trung về tuyên truyền và huy động nguồn lực, 4 trụ cột trong nông nghiệp, 5 điểm nhấn về văn hóa - xã hội”. Nhiều khẩu hiệu trong số này hiện đã trở thành hiện thực khi đường làng ngõ xóm nhiều thôn đã bảo đảm các tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” với hoa cỏ xanh mướt, bích họa đẹp mắt. Toàn bộ 15 xã đã hoàn thành việc gắn trên 38.000 biển số nhà và 3.382 biển chỉ dẫn công cộng...

Tại thôn Liên Trung, khi làng quê này đã chuyển mình thành “Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”, hai ông Nguyễn Hợp Thụ, Nguyễn Đức Hòa vẫn liên tục qua lại nhà nhau để bàn chuyện nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là tăng cường tính gắn kết cộng đồng, nâng cao giá trị hưởng thụ về mặt văn hóa, đời sống tinh thần. Cùng những băn khoăn, trăn trở đó, bên Thượng Mỗ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Dũng tìm sang nhà vị tiền bối, nguyên Bí thư Đảng ủy Đặng Văn Hùng để hỏi kinh nghiệm về cách thức gìn giữ, phát huy câu lạc bộ hát ca trù của xã.

Trong các giải pháp tổng thể xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo, huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm đến các giải pháp bảo vệ các địa chỉ văn hóa dân gian và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương như chèo tàu Tân Hội, ca trù Thượng Mỗ, đua thuyền Đồng Tháp, thả diều Hồng Hà… Hiện 3 câu lạc bộ múa hát chèo tàu, hát ca trù và hội diều Bá Giang của huyện đều được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian. Đan Phượng cũng chú trọng đầu tư xây dựng các công trình có giá trị văn hóa cách mạng là Tượng đài kỷ niệm phong trào phụ nữ Ba đảm đang; gắn biển di tích cách mạng kháng chiến tại đình Sông, Chùa Đôi Hồi, Tượng đài chiến thắng chợ Gốc Ngô….

Đến hết năm 2015, huyện Đan Phượng có 15/15 xã đạt chuẩn, trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn TNM. Tháng 5-2019, 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung là những xã đầu tiên được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

“Công tác xã hội hoá hoạt động văn hóa phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Toàn huyện hiện có hơn 90 đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ thơ, các câu lạc bộ sở thích. Các xã triển khai thí điểm lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại các điểm công cộng, nơi tập trung đông dân đáp ứng nhu cầu tập luyện cho hàng nghìn người dân”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng thông tin.

“Cán đích” NTM sớm nhất trong các huyện của thành phố, Đan Phượng, quê hương khởi nguồn của phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" đang là một trong những minh chứng rõ nhất cho câu chuyện xây dựng NTM ở Hà Nội, chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc!

Trích Hà Nội mới
Cơn mưa rào bất chợt khiến con đường ven đê ở xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) thêm tươi mát. Đang vào vụ lúa chín, trên nhiều cánh đồng ở Đông Anh, màu vàng óng ả của những vựa lúa được chia đều tăm tắp bởi những con đường bê tông sáng bóng, khuất xa là những khu đô thị cao cấp tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Đông Anh đang từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu để nâng tầm xây dựng NTM thành những miền quê đáng sống…

Đường giao thông nội đồng chính của xã Mai Lâm những ngày này ngổn ngang công trình xây dựng. Cán bộ thanh tra xây dựng của xã Mai Lâm Nguyễn Đức Lượng cho biết, xã đang trong quá trình nâng cấp cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn. Hệ thống cống thoát nước và mương tưới tiêu được làm lại đồng bộ trước khi mở con đường to xuyên qua những cánh đồng. Cơ sở hạ tầng của xã vốn đã đạt tiêu chí NTM, nay tiếp tục được nâng cấp thêm để tiến tới khi Đông Anh trở thành quận thì xã lên phường cũng có một bộ mặt khang trang hơn.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng hồ hởi nói, Đông Anh đang tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị phù hợp với Đề án xây dựng huyện Đông Anh thành quận, xã thành phường. Các tiêu chí này gồm việc tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí cơ bản đạt, đặc biệt là tiêu chí trường học, cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch.

Trong không khí phấn khởi, thực hiện chủ trương nâng cấp các tiêu chí NTM ở địa phương, ông Phan Văn Kha, trưởng thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm nhiệt tình giới thiệu những công trình xây dựng mới ở thôn. Ông tự hào với thành quả của quá trình dân vận, đó là Lộc Hà đã có con đường dài 300m, rộng 9m được rải bê tông thẳng tắp thay thế cho con đường “thò thụt” hẹp 3m trước kia. Trước cửa mỗi gia đình còn được thiết kế đồng bộ những bồn trồng cây, hoa.

Theo ông Kha, sau khi con đường này hoàn tất, ông sẽ kêu gọi bà con thực hiện con đường kiểu mẫu với những bức tranh bích hoạ sinh động nhiều màu sắc, hai bên là những dãy nhà nở hoa. “Chúng tôi xây dựng tuyến đường văn hoá làm mô hình điểm để sau này nhân rộng lên ở nhiều con đường khác trong thôn”, ông Kha phấn khởi khoe.

Ông Đỗ Trí Dũng.

Giống như Lộc Hà, thôn Thái Bình và Lê Xá là địa bàn có nhiều công trình cộng đồng được xây dựng từ nguồn xã hội hoá, đóng góp rất lớn trong việc hoàn thiện và nâng cấp các tiêu chí NTM ở địa phương. Trong đó, có những công trình xã hội hoá là điểm sáng của huyện như: đình làng, trạm y tế xã với kinh phí hàng tỷ đồng; một số đường dây điện trong thôn cũng được hạ ngầm với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Nhiều tuyến đường trong thôn đang được mở rộng, đẹp hơn nhờ vào đóng góp, hiến đất của người dân và tinh thần chung sức của nhân dân thực hiện phong trào Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.

Ông Đỗ Trí Dũng, trưởng thôn Thái Bình (xã Mai Lâm, Đông Anh) vừa đón đứa cháu đi học về đã vội rẽ vào sân đình mới xây khang trang. Như thường lệ, buổi chiều là lúc ông và nhiều cụ cao niên trong thôn hẹn nhau ra đình chơi cờ tướng, hàn huyên trò truyện. Ông Dũng khoe, nhiều năm nay, đời sống tinh thần ở thôn Thái Bình phong phú hẳn lên khi các thiết chế văn hoá cộng đồng được trang bị thêm. Ngoài ngôi đình mới được xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng thì thôn đang có 3 sân thể thao cộng đồng, một nhà văn hoá có diện tích 300m2. Tất cả đều từ nguồn xã hội hoá và nhân dân đóng góp.

“Trước kia, mọi sinh hoạt của người dân chỉ quanh quẩn ở sân đình. Kể từ khi có nhà văn hoá và các sân thể thao, bà con phấn khởi lắm, hăng say tập văn nghệ và rèn luyện thể dục hơn”, ông Dũng nói.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” của huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Linh nhìn nhận, năm 2010, khi triển khai xây dựng NTM, huyện Đông Anh có nhiều tiêu chí đạt thấp; hạ tầng nông thôn còn nhiều bất cập, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả không cao; đời sống người dân còn nhiều khó khăn...

Trong 10 năm thực hiện, huyện Đông Anh đã nỗ lực khắc phục “điểm yếu”, xây dựng các chương trình công tác trọng tâm theo mỗi nhiệm kỳ. Với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, Đông Anh tự tháo gỡ dần những khó khăn bằng cách chọn các tiêu chí ít vốn đầu tư để thực hiện trước.

“Hiện, Đông Anh có 22/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng xã Dục Tú đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2019. Huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới gắn với tiêu chí phấn đấu trở thành quận...”, ông Nguyễn Xuân Linh cho biết.

Đông Anh đang tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

Đứng trên cánh đồng vàng óng, thơm mùi lúa chín, cán bộ thanh tra xây dựng của xã Mai Lâm Nguyễn Đức Lượng cho biết, hiện nay hệ thống chiếu sáng, đường giao thông nông thôn ở Mai Lâm và nhiều xã khác đều cơ bản đáp ứng đời sống nhân dân. 100% đường giao thông liên xã được kiên cố hoá. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đã được quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh từ nhiều năm nay, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 100% diện tích đất canh tác. Các xã đều bảo đảm được hệ thống điện lưới ổn định phục vụ đời sống nhân dân.

Đông Anh đang có sự thay da đổi thịt rõ nét. Từ một huyện còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng hạ tầng nông thôn, sau 10 năm thực hiện Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Đông Anh có sự phát triển vượt bậc với các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Huyện đã cải tạo gần 800km giao thông nông thôn; xây dựng, cải tạo 117 nhà văn hóa thôn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân của huyện đạt 47 triệu đồng/người/năm; dự kiến hết năm 2019 đạt 50 triệu đồng/người/năm…

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02 của huyện Đông Anh, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá: “Những cách làm và thành quả của Đông Anh sau 10 năm thực hiện Chương trình 02 còn là bài học thiết thực cho các địa phương của Hà Nội trong thực hiện phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”. Thời gian tới, Đông Anh cần nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để tiệm cận tiêu chí phường và quận; hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững…”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tham quan gian hàng nông sản sạch bên lề hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02 của huyện Đông Anh.

Hiện nay, việc xây dựng NTM của Đông Anh cũng đang được đồng bộ hoá để phù hợp với tình hình mới. Cùng với Đông Anh, nhiều xã, nhiều huyện của Hà Nội cũng sẽ tiếp tục chuyển mình, tập trung quyết liệt xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, cơ bản đạt… phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao. Mục tiêu trong năm 2019 có thêm 30 xã đạt chuẩn NTM và 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao... góp phần để nông thôn Thủ đô thật sự trở thành những miền quê đáng sống.


Bài viết: Triệu Hoa - Hoàng Quyên - Tuấn Anh
Ảnh-Video clip: Quang Thái
Trình bày: Tuấn Phong

Trích Hà Nội mới