Main Image
Item 1 of 3
 

Từ món “ăn chơi” thành thương hiệu nổi tiếng

Qua ngã ba Vũng Liêm bây giờ, hành khách đã quen ăn nem Lai Vung hay nem Sáu Xệ Vĩnh Long. Nem Sáu Xệ cũng đã có tiếng vang từ nghề truyền thống, ngày nay, nem Sáu Xệ được cải tiến, mẫu mã đẹp hơn.

Chú trọng quy trình sản xuất sạch, anh Nguyễn Phước Thịnh- chủ lò nem Sáu Xệ (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho hay: “Với mong muốn đem đến sản phẩm an toàn, cơ sở không dùng phẩm màu. Áp dụng quy trình sản xuất sạch, nâng chất lượng để thương hiệu đi xa hơn”.

Giữ nghề truyền thống nhưng phải tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm cũng là câu chuyện đương đại ở xứ nem Lai Vung.

Theo ông Võ Hoàng Sang- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành: “Cái nôi” của nem Lai Vung là ở các xã Tân Thành, Long Hậu và thị trấn Lai Vung. Riêng Tân Thành có nhiều thương hiệu nem rất nổi tiếng như Giáo Thơ, Hoành Khánh, Hoàng Yến, Thanh Xuân, Thanh Sơn, Út Thẳng,…

Để giúp sản phẩm địa phương vươn xa hơn nữa, chính quyền huyện, xã đã hỗ trợ các cơ sở xây dựng quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng chất bảo quản, độc hại”.

Đó cũng là hướng làm ăn đúng để phát triển và đưa sản phẩm địa phương lên tầm cao mới.

“Tôi chuyển nghề giáo viên sang làm nem gần 20 năm, nhờ người chị bà con chỉ nghề. Lúc đầu rất gian nan, đạp xe năn nỉ từng điểm bán lấy hàng giùm, thời gian dài khách “ăn quen”, chiếc nem của mình mới trụ được.

Tôi đã đầu tư thêm máy móc, nâng chất lượng, sản phẩm đã có kênh phân phối ổn định, mở rộng thị trường, vào siêu thị…”- chị Trần Thị Kim Loan- chủ Cơ sở sản xuất nem Thanh Sơn (xã Tân Thành, Lai Vung) nói, vì mê vị chua ngọt của nem mà “làm hết mình cho nó ngon lên, người ta ăn nhớ hoài”.

Trong ẩm thực người miền Tây, nem không thể thiếu trong thực đơn món khai vị và là món ưa chuộng dịp lễ tết.

Làm nem không khó, nhưng theo chị Kim Loan: “Muốn nem ngon phải chọn thịt heo tươi, nóng, thớ thịt phải dẻo, da heo phải tươi. Sau làm sạch, xay, trộn, thêm ớt xanh, tỏi rồi mới gói lại trong chiếc lá chùm ruột và bao lớp lá chuối bên ngoài”…

Từng chiếc nem dù sản xuất theo quy trình hiện đại, cũng phải giữ được hương và sắc. Chiếc nem có màu sắc tự nhiên gói trong lá vông hoặc chùm ruột.

Nhờ sự “chung thủy” đó, không chỉ người làm nem, mà người dân Lai Vung cũng tự hào đặc sản của quê hương mình, đi đâu xa, thăm thú bạn bè, cũng xách vài chục nem làm quà.

            Nguồn: Sưu tầm