Triển vọng từ nuôi cá lóc thương phẩm
Thứ sáu, 12/4/2024

Tận dụng nguồn nước sẵn có từ đập Bà Mụ, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), anh Đặng Tất Thắng và những người anh em của mình đã đầu tư xây dựng trại nuôi cá lóc thương phẩm, đồng thời đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá. Khát vọng của các anh là xây dựng chuỗi liên kết nuôi cá lóc thương phẩm trên địa bàn tỉnh hiệu quả, bền vững từ khâu con giống đến tiêu thụ.

“Trước khi xây trại nuôi, chúng tôi dành mấy tháng liền đi khắp nơi từ Bắc vào Nam tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá lóc. Chúng tôi phân tích kỹ ưu - nhược điểm của các mô hình, từ nuôi bè đến nuôi hồ âm, hồ nổi... để lựa chọn mô hình phù hợp nhất với địa thế, điều kiện tự nhiên của Bình Phước” - anh Thắng, người đứng ra quản lý trại cá ở huyện Đồng Phú mở đầu câu chuyện.

3 trong số 5 anh em gia đình anh Thắng (anh Thắng ngoài cùng bên trái) đi kiểm tra trại cá - Ảnh: Đặng Hùng

Sau khi nghiên cứu, anh em gia đình anh Thắng đã quyết định xây dựng trại nuôi cá theo mô hình ao nổi lót bạt. Mô hình này khá phù hợp với địa hình đất đồi thoải, người nuôi chủ động hoàn toàn việc thay nước cho ao mỗi ngày. Với quy mô hơn 1 ha, 12 ao cá lớn, nhỏ được chia làm hai tầng, trong đó 10 ao nổi ở tầng 1 nuôi phủ kín cá lóc, riêng 2 ao âm ở tầng 2 sẽ tận dụng nguồn nước xả ra ở tầng 1 để nuôi cá tra và cá trê.

Hệ thống cấp - xả nước của trại cũng được thiết kế khoa học, mỗi ao ở tầng 1 đều có ống cấp - xả nước riêng, có thể cấp - xả nước đồng loạt. Trại còn kết nối với một doanh nghiệp cử nhân viên kỹ thuật thường xuyên đến hỗ trợ kiểm tra, giám sát chỉ tiêu chất lượng nguồn nước trong quá trình nuôi để đảm bảo cá sinh trưởng thuận lợi. Anh Cao Hữu Tiến phụ trách kỹ thuật ứng dụng Tập đoàn Thăng Long, tỉnh Long An cho biết: “Doanh nghiệp hỗ trợ chủ trang trại kiểm tra nguồn nước từ đập trước khi cấp lên các ao. Có 3 chỉ tiêu quan trọng trong nước ao nuôi là độ pH, NH3, NO2, khi các chỉ tiêu này đảm bảo sẽ giúp cá phát triển tốt và giảm mầm bệnh trong ao”.

Là công nhân trực tiếp phụ trách thay nước ao và cho cá ăn, anh Nguyễn Văn Nhiên cho hay, mỗi ngày thay nước ao một lần, sau khi thay nước để ao lắng từ 5-10 phút mới cho cá ăn. Một ngày anh Nhiên cho cá ăn 2 lần vào giờ cố định buổi sáng và chiều tối để tạo thói quen cho cá, thức ăn hoàn toàn là cám tổng hợp.

Nhờ nuôi đúng kỹ thuật nên các ao cá phát triển rất tốt. Cá lóc tăng trưởng nhanh, ít bị bệnh. Hiện tại, trại đã xuất cá lóc lẻ để giới thiệu với thị trường trong tỉnh và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Dự tính trong tháng 5, tháng 6 tới, trại sẽ xuất đi đồng loạt cả thị trường trong và ngoài tỉnh. Với 20 vạn cá lóc giống ở thời điểm ban đầu, anh Thắng dự kiến vụ thu hoạch đầu tiên này sẽ đạt từ 150-180 tấn cá lóc thương phẩm. Sau tết Nguyên đán, giá cá lóc thu mua tại trại dao động từ 40-50 ngàn đồng/kg, nhưng theo nhận định của những người nuôi cá lâu năm, cá lóc thương phẩm thường sẽ tăng giá mạnh vào khoảng giữa năm.

“Sau khi xuất lứa cá này, chúng tôi dự tính nuôi thêm 2 loại cá nữa. Ngoài việc tự ươm cá lóc giống, chúng tôi sẽ không nuôi đại trà như hiện tại mà chia ra nuôi xoay vòng để đảm bảo trại lúc nào cũng có cá thành phẩm cung cấp cho thị trường bán lẻ” - anh Thắng cho hay.

Cũng theo anh Thắng, nuôi cá lóc thương phẩm không khó, chỉ cần người nuôi chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Anh sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm cho bà con hoặc đơn vị nào có nhu cầu phát triển kinh tế từ nuôi cá lóc thương phẩm. Điều mong muốn của anh Thắng và những người anh em của anh là xây dựng được chuỗi liên kết nuôi cá lóc thương phẩm hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đảm bảo từ khâu con giống đến thị trường đầu ra.

Ngọc Huyền

www.vietlinh.vn

 

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng