Chiến dịch phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn ; Kỳ 2: Đặc điểm gây hại của bệnh chỗi rồng trên nhãn
Đến thời điểm hiện nay thì bệnh chổi rồng xuất hiện và gây hại hầu hết ở các vùng trồng nhãn, đặc biệt gây hại nặng trên nhãn tiêu da bò. Bệnh thường gây hại vào giai đoạn đọt non và nụ hoa của cây nhãn. Triệu chứng bệnh dễ nhận dạng với lá bị co lại và mọc thành từng chùm nhìn như bó chổi, bắt đầu thể hiện từ khi đọt non dài khoảng 2-3 cm và trên hoa thì làm chùm co cụm lại, không đậu trái hoặc đậu rất ít.
Việc xác định tác nhân gây bệnh của các cơ quan chức năng đã nghiên cứu trong thời gian qua vẫn chưa thống nhất. Các báo cáo ghi nhận do phytoplasma, virus, vi khuẩn, nhện lông nhung hay là một nguyên nhân nào khác vẫn chưa xác định được tác nhân nào là chính, nhưng trên tất cả các cây nhãn bị bệnh đều có mặt nhện lông nhung. Do đó trước mắt quản lý nhện lông nhung là mục tiêu của phòng trị bệnh chổi rồng.
Nhện lông nhung có kích thước rất nhỏ không thấy được bằng mắt thường. Vòng đời của nhện kéo dài khoảng 8-15 ngày. Thường nhện phát sinh, phát triển mật độ cao vào các đợt cây nhú chồi non và hoa. Do đó trong quy trình tạm thời, quản lý nhện lông nhung truyền bệnh chổi rồng hại nhãn của Cục BVTV khuyến khích phun thuốc vào giai đoạn đọt hay hoa vừa mới nhú (nứt cựa gà) mới có thể quản lý hiệu quả bệnh chổi rồng. Bệnh chổi rồng có thể lây lan qua hai con đường chủ yếu: qua nhân giống vô tính (giống như ghép, chiết cành từ các cây bị bệnh) và qua môi giới truyền bệnh là nhện lông nhung. Nhện có thể phát tán qua vận chuyển cây giống, sản phẩm từ nhãn, đồng thời nhện phát tán từ nơi này qua nơi khác nhờ gió, động vật, côn trùng và cả con người.
Riêng đối với ong mật thì Trung tâm BVTV Phía Nam cũng đã tiến hành điều tra ở các tỉnh Phía Nam nhằm tìm hiểu ong mật có mang nhện lông nhung đi từ cây này sang cây khác hay khu vực này sang khu vực trong quá trình hút mật thụ phấn hay không? Kết quả kiểm tra trên khoảng 4.000 ong mật thì chỉ có một con mang duy nhất một con nhện lông nhung, qua đó có thể giải đáp khả năng mang nhện lông nhung trên thân ong mật là rất thấp. Vì thế bà con nên an tâm không nên phun thuốc tiêu diệt ong mật vào giai đoạn hoa nở, giúp cho cây thụ phấn thuận lợi và hiệu quả hơn.
Hiện nay, bệnh chổi rồng cũng ghi nhận xuất hiện trên chôm chôm, phổ biến vào giai đoạn ra hoa và chỉ xuất hiện trên chồi khi áp lực bệnh chổi rồng trong vườn cao hay xung quanh có vườn nhãn nhiễm chổi rồng nặng. Qua quá trình điều tra diễn biến mật số nhện lông nhung ghi nhận mật số nhện thường xuất hiện phổ biến vào giai đoạn ra hoa ở các vườn chôm chôm và hiện diện quanh năm ở các vườn nhãn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhện trên các bộ phận mầm hoa, chồi non, lá lụa hay lá già có sự thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển của cây. Nhìn chung, hoạt động của nhện lông nhung vẫn còn nhiều “bí ẩn”.
Nhện lông nhung có kích thước rất nhỏ khó có thể phát hiện bằng mắt thường, nhân mật số nhanh nên việc kiểm soát và phòng trừ nhện lông nhung gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay nông dân phòng trừ nhện chủ yếu bằng các loại thuốc hóa học, phun rất nhiều lần với liều lượng rất cao nhưng hiệu quả quản lý nhện không cao, làm phá hủy hệ thống thiên địch trong vườn, nhện tăng tính kháng và dễ bộc phát thành dịch. Do đó bà con nên áp dụng tổng hợp các biện pháp trong canh tác nhãn, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học và luân phiên thuốc có hoạt chất khác nhau để hạn chế tính kháng thuốc của nhện lông nhung.
Huy Thảo