Nông dân thu nhập cao từ mô hình nuôi lươn giống
Thứ hai, 21/8/2023

Sau nhiều năm theo đuổi mô hình nuôi lươn, đến nay anh Võ Kim Vương Tân, ở ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), đã thành công xây dựng mô hình nuôi lươn giống cho lợi nhuận vài chục triệu đồng/tháng với diện tích đất 2.000m2.

 Bể nuôi lươn bố mẹ của anh Vương Tân (bìa phải) được trồng cây tạo môi trường thuận lợi nhất cho lươn đẻ trứng.

Để đạt được thành công này, anh Vương Tân có không ít lần thất bại, nhưng mỗi lần thất bại anh không nản lòng, từ những kinh nghiệm đó anh tìm tòi, học hỏi thêm để khắc phục, làm lại mô hình cho thành công. Anh Vương Tân kể: “Tôi đã bắt đầu nuôi lươn khoảng 10 năm trước, nhưng ban đầu chỉ là do đi đặt trúm bắt được lươn lớn bán, còn lươn nhỏ để lại nuôi. Mới đầu chưa có kinh nghiệm nên không thành công, lươn bệnh, hiệu quả kinh tế thấp. Về sau, tôi chuyển sang lươn giống, qua nhiều lần thử nghiệm, vừa làm, vừa học tập những người đã nuôi trước, dần dần mới có kinh nghiệm xây dựng mô hình nuôi lươn giống hiệu quả như hiện nay”.

Mô hình có quy mô 2.000m2 của anh, gồm khu nuôi lươn bố mẹ, ấp trứng và nuôi lươn con. Khu vực nuôi lươn bố mẹ, anh Vương Tân tạo một môi trường giống như trong tự nhiên và đặt các ống nhựa hình trụ trong bể để lươn vào đẻ trứng. Nhằm giúp lươn đẻ trứng nhiều, nở con chất lượng hơn, anh Vương Tân đã thử nghiệm lấy giống lươn bố mẹ thuần lươn đồng, kết hợp lươn đồng, lươn nuôi để so sánh hiệu quả và lựa chọn.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lươn giống cũng như lươn thương phẩm, anh Vương Tân khẳng định trong nuôi lươn quan trọng nhất là nguồn nước, kế đến mới là chất lượng con giống. Người nuôi lươn muốn thành công cần đảm bảo được nguồn nước đưa vào bể nuôi là nước sạch, lươn sẽ giảm được bệnh, chết, hạn chế hao hụt và đạt năng suất cao hơn. Chính vì vậy anh mạnh dạn đầu tư xây dựng hồ chứa nước, hệ thống lọc nước để cung cấp nguồn nước sạch phục vụ mô hình nuôi lươn của mình. Ngoài ra, anh quan sát, theo dõi các bể lươn rất kỹ, phát hiện sớm khi lươn có dấu hiệu bệnh để chăm sóc, trị bệnh hiệu quả. Cơ sở sản xuất lươn giống của anh Vương Tân trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 45.000-60.000 con lươn giống. Hiện tại, đầu ra rất ổn định, hàng tháng từ mô hình này trừ các khoản chi phí gia đình anh có thể thu về lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập khá cao chỉ với diện tích đất 2.000m2.

Mô hình nuôi lươn giống của anh Vương Tân được địa phương đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cao, dự kiến nhân rộng, hỗ trợ phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuân, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Đông Lợi A: “Mô hình hiện rất khó nhân rộng cho người dân trong ấp muốn nuôi lươn còn khó khăn về vốn và lo lắng về kỹ thuật. Nhiều người dân có mong muốn nuôi lươn, đến tham quan mô hình của anh Vương Tân nhưng chưa thể triển khai được tại hộ của mình. Chúng tôi mong muốn được quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay về ấp để tạo điều kiện về vốn và mở các lớp tập huấn hay tổ chức tham quan mô hình nuôi hiệu quả để người dân học tập kinh nghiệm, nuôi lươn thành công, tăng thu nhập, vươn lên khá giàu”.

Ngoài các mô hình trồng cây ăn quả ở xã Đông Phước, việc phát triển mô hình nuôi lươn đang được quan tâm. Ông Nguyễn Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: “Mô hình nuôi lươn có một số hộ nuôi đang đạt hiệu quả kinh tế cao ở trên địa bàn xã, trong đó có hộ anh Vương Tân. Chúng tôi đang dự kiến sẽ tập hợp 8 hộ có mô hình nuôi lươn trên địa bàn xã để thành lập tổ hợp tác nuôi lươn. Từ đó, thuận lợi trong hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật. Chúng tôi sẽ chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện quan tâm tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phát triển mô hình này, nâng cao thu nhập người dân. Xã luôn quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa bàn”.

http://www.vietlinh.vn

 

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng