Bình Tân: Trồng "rau lang" - mô hình mới, người trồng cần quản lý sâu hại theo hướng tổng hợp
Thứ hai, 26/10/2020

Khoai lang là loại màu chủ lực của huyện Bình Tân, với tổng diện tích sản xuất từ 11.000 - 13.000ha và sản lượng thu hoạch gần 400.000 tấn mỗi năm. Nhờ khoai lang mà nhiều nông dân huyện Bình Tân có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giàu. Ngoài việc thu hoạch củ, đọt khoai lang hay người dân địa phương còn gọi với cái tên thân thuộc là "rau lang" - là thứ rau dân dã trước đây chỉ dành cho nhà nghèo. Nhưng ngày nay, người ta đã "phát hiện" ra rằng thứ rau này rất ngon và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Ở một số nước như châu Âu, Hồng Kông, Nhật Bản... rau lang không còn là loại rau dân dã mà đã trở thành một loại thực phẩm cao cấp có mặt trong những nhà hàng sang trọng.

"Rau lang" cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân

            Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, dinh dưỡng trong rau lang còn tốt hơn trong củ khoai lang rất nhiều. Ví dụ: Vitamin B6 trong lá khoai lang cao gấp 3 lần trong củ khoai, vitamin C cao gấp 5 lần, viboflavin cao gấp 10 lần..... Chính vì vậy, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bình Tân đã tận dụng diện tích vườn cây ăn trái hoặc lên líp để trồng rau lang sạch, vừa để phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày cho gia đình, vừa có thể bán kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, khi mà đời sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu sử dụng thực phẩm cũng khắt khe hơn. Do đó, người trồng rau lang cần có giải pháp để quản lý sâu hại theo hướng tổng hợp nhằm cung ứng cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

            Theo người trồng khoai ở huyện Bình Tân cho biết: trong quá trình trồng khoai lang, đối tượng sâu hại thường gặp nhất là sâu gập lá, loại sâu này cắn phá lá khoai, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của dây khoai. Sâu ăn lá thủng lổ chổ và thải phân màu đen đầy trên mặt lá, sâu tuổi lớn ăn trụi chỉ chừa lại gân, trông ruộng rau rất xơ xác. Sâu thích ăn lá non nhưng khi mật số cao chúng ăn cả lá già, dây khoai sinh trưởng kém do giảm khả năng quang hợp của lá.

Bên cạnh sâu gập lá, sâu đục dây cũng ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến năng suất củ và rau lang. Khi quan sát dây khoai thấy phân nâu đen đùn ra xung quanh gốc dây là nhận biết có sự xuất hiện của sâu đục dây. Dây bị hại sinh trưởng kém và có thể bị héo chết.

Ngoài ra, khoai lang thường bị bọ hà gây hại, nông dân còn gọi là sùng hà. Sùng hà gây hại khoai lang trên các bộ phận như: lá, dây và củ. Trưởng thành ăn biểu bì dây, lá và bề mặt củ tạo ra những lổ thủng nhỏ hình tròn. Chúng còn dùng vòi đục lổ ở những đoạn dây gần gốc và củ khoai rồi đẻ trứng vào đó. Trên dây khoai, những chổ bị hại phình to và nứt. Sùng hà làm giảm năng suất nghiêm trọng. Sùng hà thường phát sinh nhiều khi dây khoai bắt đầu hình thành củ cho đến khi thu hoạch và tồn trữ vẫn tiếp tục gây hại. Ruộng đất cát pha thường bị nặng hơn đất thịt. Sùng hà tồn tại trên các dây khoai và ký chủ phụ ngoài đồng như các cây họ bìm bìm. Không có giống nào kháng được sùng hà.

Đối với các loại sâu hại trên, nên áp dụng biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ sẽ hạn chế sự phát triển của sâu. Trong đó, không nên lấy giống từ các vùng trồng khoai bị sùng hà hoặc sâu đục dây gây hại nặng. Luống khoai cần vun cao và tưới đủ nước khi trời nắng hạn để đất không bị nứt nẻ sẽ góp phần hạn chế sùng hà và sâu đục dây. Ruộng trồng khoai cần được cày bừa kỹ, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, thu nhặt hết toàn bộ tàn dư cây trồng vụ trước, nhất là vụ trước có trồng khoai lang để giảm bớt nguồn sâu có trong ruộng. Trước khi trồng có thể xử lý hom giống bằng cách ngâm trong thuốc trừ sâu lưu dẫn trong vòng 30 phút để diệt sâu đục dây, sùng hà bên trong dây giống, sau đó vớt hom ra để ráo rồi trồng. Khi phát hiện sâu gập lá với mật số cao, phun dầu khoáng hoặc thuốc trừ sâu vi sinh như Biocin, ViBT, Dipel,…. Có thể phun nấm Xanh, nấm Trắng đều có hiệu quả với  sâu gập lá, sâu đục dây và cả sùng hà.

            Có thể nói, bên cạnh việc trồng khoai thu hoạch củ thì mô hình trồng rau lang cũng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trong huyện Bình Tân, với quy trình chăm sóc đơn giản, người trồng chỉ tốn công làm cỏ, bón phân và thu hoạch. Mặt khác, khoai lang lại phù hợp với nhiều loại đất, cho thu hoạch trong khoảng thời gian dài. Nếu biết tận dụng lợi thế sẵn có, thì đây được xem là một hướng phát triển mới mà người dân huyện Bình Tân cần nghiên cứu để nhân rộng nhằm tăng nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình.

                                                                                                       Trung Thành

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng