Hiệu quả mô hình đan dây nhựa tại xã Hựu Thành
Thứ hai, 26/10/2020

Trong nhiều năm qua, để hỗ trợ chị em phụ nữ nông nhàn tại địa phương có việc làm, tăng thu nhập, chị Thạch Thị Búp Pha-Chi hội Nông dân ấp Trà Sơn, xã Hựu Thành đã tích cực vận động nhiều chị em tham gia mô hình nghề gia công đan dây nhựa tại nhà. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều chị em có thêm thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Hình: Đan ghế nhựa

Được biết, chị Pha vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, kinh tế chủ yếu từ việc làm ruộng, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, nên hai vợ chồng chị quyết tâm học nghề đan nhựa, rồi dần thấy nghề cũng dễ làm, thu nhập cũng khá nên chị vận động chị em tại địa phương cùng tham gia học nghề rồi nhận hàng về đan theo yêu cầu của công ty. Khi mới vào nghề năm 2016, chị vận động được 31 chị em đăng ký học nghề, sau khóa học có 29 chị được cấp giấy chứng nhận nghề và duy trì đan các sản phẩm làm bằng dây nhựa cho đến nay.

Theo chị Pha đa phần chị em phụ nữ ở ấp là lao động phổ thông, ít ruộng vườn, làm thuê là chủ yếu. Ngoài những lao động đã làm công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp, số chị em còn lại một phần vì bận bịu con nhỏ, cha mẹ già hoặc người lớn tuổi, sức khỏe giảm sút. Những chị em này rất cần có nghề làm thêm tại nhà để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, nghề gia công đan dây nhựa thu nhập quá thấp, lúc đầu mỗi ngày chỉ có 50.000-60.000 đồng, rồi sản phẩm làm ra chưa đúng mẫu, phải làm đi làm lại nhiều lần nên các chị cũng không mặn mà với công việc dẫn đến mô hình không phát huy được hiệu quả. Nhận thấy khó khăn đó, chị đã vận động các chị em đến nhà cùng làm để tận tay hướng dẫn cho các thành viên, khi đã làm được thuần tay rồi các chị nhận đem về nhà làm.

Từ vài thành viên ban đầu, đến nay mô hình đã có 20 chị em thường xuyên làm gia công với mức thu nhập 2,5 triệu-3 triệu đồng/tháng. Trong đó, chị Pha phụ trách tiếp nhận sản phẩm gia công bàn, ghế dây nhựa từ công ty rồi giao nguyên liệu cho các thành viên và là đầu mối thu gom sản phẩm hoàn chỉnh giao cho công ty. Mỗi khi công ty đưa mẫu mới, chị sẽ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho chị em và đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi giao cho công ty. Mô hình dần trở thành nghề phụ, được nhiều chị em quan tâm nâng cao tay nghề và tự tin hơn khi làm ra sản phảm, giúp cải thiện thu nhập đáng kể.

Khi trao đổi với cô Thạch Thị Phượng, ngụ ấp Trà Sơn, cô bộc bạch: “Tôi năm nay cũng trên 50 tuổi rồi, gia đình không có ruộng đất, kinh tế gia đình khó khăn lắm, chồng lại mất sớm, con gái thì có chồng ra riêng nên hiện nay tôi sống có một mình, cuộc sống chật vật cứ quanh quẩn với cái nghèo. Hơn nay năm nay, cũng nhờ em Pha vận động tôi học nghề rồi vào nhóm đan dây nhựa nên thu nhập cũng khá, khoảng 80.000 đồng/ngày, phụ lo các chi phí sinh hoạt hằng ngày, nhờ vậy cuộc sống cũng đỡ hơn, tôi mừng lắm”.

Không giấu được niềm vui, Chị Thạch Thị Danh ngụ ấp Trà Sơn phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi không có ruộng đất canh tác, chồng tôi lại bệnh nặng, tôi phải nuôi thêm 2 đưa cháu ngoại, gánh nặng đè lên vai tôi vừa phải lo ăn uống hằng ngày, rồi tiền thuốc cho chồng, lo cho 2 cháu đi học. Công việc làm thuê lại không ổn định, những lúc mua gió, nước nổi không ai thuê làm, tôi lo lắm. Nhưng từ khi em Pha đến nhà vận động tôi đi học lớp đan dây nhựa, rồi tận tình chỉ dẫn nên tôi có thêm cái nghề. Nếu chịu khó làm mỗi ngày cũng thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày, đây là khoảng thu nhập khá mà tôi kiếm được khi nhận hàng về làm, với số tiền này, giúp tôi một phần trang trải cuộc sống gia đình”.

Hiện nay, việc đan dây nhựa, gia công các sản phẩm xuất khẩu đang được nhiều chị em hưởng ứng, đăng ký tham gia và thực tế đã tạo được hiệu quả tăng thu nhập rõ rệt, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã Hựu Thành lên 48,73 triệu đồng/người/năm. Qua đó, mô hình của chị Pha trở thành điểm sáng vừa được biểu dương khen thưởng tại hội nghị tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” cấp huyện, giai đọan 2015-2020. Để mô hình phát triển bền vững, trong thời gian tới, chị Pha sẽ tiếp tục vận động thêm hội viên kể cả nam để đảm bảo đủ số lượng nhân công nhận làm sản phẩm cho công ty. Đồng thời tiếp tục học tập, nghiên cứu mẫu mã mới cũng như chọn các sản phẩm có giá cả hợp lí hơn để tạo thêm cơ hội việc làm cho chị em phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học, làm giàu chính đáng và chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương nâng chất xã nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Tố Loan

 ( Đoàn Ngọc Tố Loan- Phòng VH & và TT Trà Ôn)

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng