Trồng đậu nành dưới chấn đất ruộng ở xã Tân hạnh kết quả và trăn trở của người sản xuất
Thứ ba, 11/8/2015

 Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích đất, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện Long Hồ đã kết hợp với chính quyền các địa phương xây dựng mô hình trồng đậu nành trên đất ruộng. Các xã Long Phước, Phú Đức, Thanh Đức, Thạnh Quới và Tân Hạnh đã mạnh dạn vận động nhân dân chuyển vụ lúa Hè Thu sang trồng đậu nành. Tuy nhiên phong trào chỉ duy trì được một vài vụ, có nơi khi Nhà nước hỗ trợ vốn không hoàn lại thì làm, còn không có hỗ trợ thì phong trào: “Dậm chân tại chỗ”. Riêng tại xã Tân Hạnh tuy phát triển muộn nhưng đến nay phong trào đưa cây màu xuống trồng trên đất ruộng không những được duy trì tốt mà còn ngày càng phát triển.

 
Phát triển mô hình và kết quả bước đầu:
Cách nay 9 năm, xã Tân Hạnh mới chỉ có 27 hộ dân trồng đậu nành với diện tích hơn 40 ha tập trung chủ yếu ở hai ấp Tân Thạnh và Tân Thới. Vụ đậu này rất nhiều hộ dân lần đầu tiên biết đến cây đậu, nhưng nghe cán bộ nông nghiệp vận động, mới chỉ thấy lợi ích và giá trị kinh tế của cây đậu trên lý thuyết nhưng đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa của gia đình sang trồng đậu. Điển hình như ông Chung Nhựt Huệ ở ấp Tân Thới, gia đình chỉ có 4 công đất ruộng, nhưng ông đã “Liều” chuyển hết sang trồng đậu. Vụ đậu nành đầu tiên này, mặc dù chưa am hiểu nhiều về cây đậu nành, nhưng nhờ cần cù siêng năng, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác do cán bộ nông nghiệp hướng dẫn Ông Huệ đã có vụ đậu nành bội thu. Trung bình 01 công đậu ông thu được 270 kg, bán với giá 7.500 đ/01 kg, thu được hơn 2 triệu đồng. Như vậy 04 công đất trồng đậu nành Ông tổng thu hơn 8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí hơn 02 triệu đồng, ông lãi ròng 6 triệu đồng. Cũng trong vụ Hè Thu cách nay 9 năm anh Nguyễn Thanh Nghị ở ấp Tân Thạnh đã chuyển 10 công đất lúa của gia đình trồng đậu nành, anh còn thuê thêm 20 công đất ở ấp Tân Thới để trồng đậu. Nhờ đã có kinh nghiệm trồng đậu từ vụ trước, nên ruộng đậu của anh đạt năng suất cao, trung bình 300 kg/01 công, vụ này từ 30 công đậu nành, gia đình anh thu lãi gần 50 triệu đồng. Không chỉ gia đình Ông Chung Nhựt Huệ và anh Nguyễn Thanh Nghị sản xuất đậu nành đạt kết quả mà tất cả 27 hộ dân với 40 ha đậu vụ hè thu này đều có lãi. Thắng lợi vụ đậu nành Hè Thu 2006, xã Tân Hạnh đã mạnh dạn vận động nhân dân mở rộng diện tích từ 40 ha ở vụ Hè Thu 2006, đến vụ Hè Thu 2008 tăng lên 300 ha và duy trì liên tục đến nay.
Cái được trong thực hiện mô hình:
Nếu như một số nơi cũng chuyển đổi đất ruộng lúa sang trồng đậu nành, nhưng chỉ được 01 đến 02 vụ, khi nhà nước không còn chính sách hỗ trợ thì lại ngưng, thì ở xã Tân Hạnh việc chuyển đổi đất lúa sang trồng Đậu nành khá căn cơ.
Ngoài việc tổ chức qui hoạch vùng trồng đậu hợp lý, như chỉ bố trí trồng đậu ở những nơi đã khép kín thuỷ lợi, hoàn toàn chủ động nước tưới tiêu, hoặc những nơi đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả. Xã Tân Hạnh còn kết hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn qui trình canh tác đậu trên đất ruộng. Sau mỗi vụ đậu đều tổ chức hội thảo để đánh giá hiệu quả kinh tế và rút kinh nghiệm để sản xuất tốt hơn ở vụ sau. Bên cạnh đó xã Tân Hạnh thực hiện giải pháp “Kích cầu” khá hiệu quả là hỗ trợ không hoàn lại phần tiền mua giống cho những hộ mới trồng đậu lần đầu, cho mượn vốn mua giống đối với những hộ đã trồng thử nghiệm một hoặc hai lần. Và khi người dân đã bắt tay vào trồng đậu thì hiệu quả từ việc trồng đậu chính là động lực hấp dẫn họ duy trì và tiếp tục phát triển phong trào.
Theo Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Long Hồ, thì đậu nành là loại cây dễ trồng. Thực tế nhiều năm đưa cây đậu nành xuống trồng trên đất ruộng đã thu được kết quả khả quan, trung bình mỗi công đậu nành vụ Xuân Hè những năm vừa qua người trồng thu lãi gần 1,5 triệu đồng, cao gấp rưỡi lần trồng lúa. Ngoài ra sau mỗi vụ đậu, thì xác cây đậu nành và những nốt sần ở rễ của nó đã góp phần làm tăng độ tơi xốp, màu mỡ cho cho đất, giúp nông dân giảm bớt chi phí khi sản xuất vụ lúa kế tiếp.
Trăn trở của người sản xuất:
Là một trong những hộ nông dân đầu tiên mạnh dạn trồng đậu nành dưới chân đất ruộng lúa, Ông Huỳnh Văn Hiền, ấp Tân Thuận đã có thâm niên hơn 9 năm canh tác đậu nành theo mô hình 2 vụ lúa xen 01 vụ đậu nành. Vụ đậu nành Hè thu năm nay tuy năng suất và giá không bằng những vụ trước nhưng mỗi công đậu ông cũng thu được hơn 140kg, với giá bán 10.500đ/01 kg, mỗi công ông cũng có lãi trên dưới 500.000đ. Với 7,5 công đậu nành xen canh trên đất ruộng ông Hiền thu lãi gần 4 triệu đồng. Tuy không bằng những vụ đậu trước, nhưng ông Hiền còn may mắn hơn rất nhiều hộ khác cùng trồng đậu ở ấp Tân Thuận. Anh Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hạnh cho biết, vụ Hè thu 2015 này xã Tân Hạnh có 240ha đậu nành trồng xen canh dưới chân đất ruộng, chiếm 49,4% tổng diện tích đất trồng lúa toàn xã. Ngoài một số ít hộ trồng đậu có lãi như hộ ông Hiền, khoảng 40% hộ chỉ thu hồi được vốn, số hộ còn lại đều bị lỗ. Nói về nguyên nhân sản xuất đậu nành vụ này không thuận lợi ông Hiền cho biết: "Thứ nhất là chúng tôi không có nguồn đậu giống chất lượng, chủ yếu là đậu giống trôi nổi, từ đó tỷ lệ nảy mầm thấp, hạt đậu lép dẫn tới năng suất kém. Cái nữa là vụ đậu này không có đầu ra, thương lái mua ép giá, nếu như những vụ trước đậu nành thương phẩm có giá từ 13.000đ đến 14.000đ thì vụ này không tới 10.000đ. Sở dĩ đậu của tôi có giá hơn 10.000đ là bởi tôi tự làm giống, chất lượng hạt đậu tốt, còn những hộ khác thậm chí thương lái chỉ mua chưa tới 9.000đ".
Chia sẻ với những khó khăn của ông Hiền và những người trồng đậu nành, anh Anh Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hạnh cho biết:
 
"Đảng ủy, Ủy ban có kế hoạch khảo sát tìm hiểu nguyên nhân khiến sản xuất đậu nành không hiệu quả, đồng thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như nhu cầu của người sản xuất đậu để có giải pháp giúp người trồng đậu và để duy trì phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang tính bền vững ".
 
Thực tế cho thấy ở xã Tân Hạnh phong trào chuyển đổi đất lúa sang trồng màu theo mô hình hai vụ lúa xen một vụ đậu nành được duy trì khá tốt từ 10 năm nay. Chính quyền địa phương và ngành hữu quan đã thực hiện tốt khâu thủy lợi, đê bao được khép kín, nước tưới tiêu được bảo đảm. Trong quá trình canh tác đậu nành trên đất ruộng nông dân nơi đây cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Vấn đề còn lại là khâu đậu giống và đầu ra của sản phẩm. Theo ông Hiền và những người trồng đậu nành ở xã Tân Hạnh thì giải quyết được nguồn đậu giống có chất lượng và tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm thì chắc chắn sản xuất đậu nành trên đất ruộng theo mô hình: "Hai vụ lúa xen một vụ đậu nành" sẽ phát triển bền vững. Xin chuyển những trăn trở của người trồng đậu nành xã Tân Hạnh đến ngành hữu quan và các cấp chính quyền./.
 
 
                                                                                        Công Toàn
Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 97)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng