Lưu ý trồng rau màu trong nhà lưới
Thứ năm, 2/5/2019

Những năm gần đây, nhận thức được tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất rau màu nói riêng, người dân trên địa bàn huyện Bình Tân đã mạnh dạng đầu tư xây dựng những nhà lưới để phục vụ cho việc sản xuất rau màu. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu canh tác trong nhà lưới có sự khác biệt so với môi trường bên ngoài (thường thì cao hơn khoảng  1- 20C) . Do vậy, để canh tác đạt năng suất và chất lượng cao người dân cần lưu ý một số kỹ thuật sau:

1. Xây dựng nhà lưới:

            Nhà lưới phải cao ráo. Chiều cao chỗ thấp nhất đảm bảo cao 2,5 met để  cây trồng có khoảng không trên nóc cho thông thoáng. Nhà lưới cần được chia ra từng khoang, có cửa đúp và giữ nhà lưới luôn kín nhằm quản lý sâu, bệnh tốt hơn.

Lưới phủ cần phải chọn lưới có mắt nhỏ (kích thước 0,8 mm) để ngăn chặn các loài côn trùng chích hút như bọ phấn, bọ trĩ, ruồi vàng (là các loài sâu nguy hiểm trên họ bầu bí).

2. Làm đất, lên luống:

Đối với đất trồng phải chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt là khâu làm đất. Xử lý đất trước trồng bằng cách cho ngập nước, bón vôi, phun thuốc trừ nấm hoặc sử dụng các chế phẩm nấm đối kháng, nấm cộng sinh.

Luống đất phải được làm kỹ, đảo đều phân lót và san phẳng bề mặt. Chiều cao luống vừa phải 25 - 30cm (tùy loại rau màu canh tác). Mặt luống không được nén chặt nếu gặp mưa lớn giữa vụ bề mặt chỗ lồi chỗ lõm thì cây trồng phát triển không đồng đều.

3. Bố trí mật độ trồng:

Nên gieo trồng với mật độ vừa phải, để cây phát triển thuận lợi, lấy ánh sáng tốt hơn trong điều kiện nhà lưới và hạn chế được nhiều nấm bệnh xâm nhập gây hại lá và thân.

4. Giảm nhiệt độ trong nhà lưới:

Khi nhiệt độ trong nhà lưới tăng hơn bên ngoài sẽ bất lợi cho rau màu, có thể gây nên hiện tượng héo do thoát hết hơi nước ở lá. Vì thế nên áp dụng phương pháp phun sương tự động để khắc phục tình trạng này, đặc biệt khi rau mới đem từ vườn ươm ra trồng trong nhà lưới.

5. Dinh dưỡng và tưới nước:

Khi sử dụng phân bón để cung cấp dinh dưỡng cho cây, cần phải ưu tiên sử dụng phân chuồng hoai mục có ủ nấm đối kháng Trichoderma hơn phân hóa học.

Khi tưới nước nên áp dụng theo phương pháp tưới nhỏ giọt là tốt nhất. Nếu tưới phun mưa thì cần theo dõi ẩm độ thời tiết để tưới lên thân lá cho phù hợp. Đây là khâu rất quan trọng vì nó liên quan đến sự sinh trưởng của cây và vi sinh vật gây bệnh thân, lá, rễ. Chỉ tưới phun mưa cho thân, lá khi cây có biểu hiện thiếu nước.

6. Bảo vệ thực vật:  

Rau màu được trồng trong nhà lưới sẽ hạn chế được sự tấn công của nhiều sâu bệnh hại hơn so với trồng ngoài đồng ruộng. Song, trồng trong nhà lưới ẩm độ vụ xuân cao hơn bên ngoài nên phải phun thuốc phòng bệnh, cắt bỏ thường xuyên lá bị bệnh, lá già dưới gốc.

Ưu tiên sử dụng các thuốc trừ sâu có nguồn gốc tự nhiên hay thảo dược (ớt, tỏi, hành, gừng...) vừa sạch, vừa an toàn cho sức khỏe con người.

Nên phải tính toán chế độ luân canh thật tốt, nếu không sẽ dễ dàng phát sinh nấm bệnh. Như các bệnh héo rũ, lỡ cổ rễ trên rau cải, phấn trắng trên rau muống…

Hồng Thắm – Bình Tân

Các thông tin khác:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 100)
Trang:1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối
  Giỏ hàng